Tuyển sinh đại học năm 2023: Thi riêng để xét tuyển chung
Năm 2023, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh và kết quả của kỳ thi năm nay sẽ được 7 trường ĐH Sư phạm khác trên cả nước sử dụng để xét tuyển.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc các trường ĐH Sư phạm tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm là hoàn toàn phù hợp và đây cũng sẽ là xu hướng phổ biến trong tương lai khi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn thực sự phù hợp với việc tuyển sinh ở những trường có mức độ cạnh tranh cao và những nhóm ngành mang tính đặc thù.
Lần đầu tiên 8 trường ĐH Sư phạm tổ chức thi, xét tuyển chung
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5, sau khi học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và trước thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh có nguyện vọng tham gia dự thi.
Việc xét tuyển theo nhóm trường đang trở thành xu hướng được nhiều trường đại học lựa chọn nhằm giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh hoạ.
Thay vì xây dựng các bài thi tổ hợp, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội được tổ chức theo 8 môn thi riêng biệt gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh thi trực tiếp, làm bài trên giấy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi tại các trường đại học ở các tỉnh miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng kí dự thi. Thời gian mỗi bài thi từ 60 đến 90 phút. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Từ thực tiễn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 và nguồn lực hiện có, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện đề án tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Hiện nay, nhà trường đã hoàn thiện được cấu trúc, ma trận đề thi của các bài thi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực và chương trình GDPT mà thí sinh là học sinh lớp 12 vừa hoàn thành.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiện 7 trường ĐH Sư phạm lớn trên toàn quốc về cơ bản đã thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển gồm: Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Lưu ý thêm với thí sinh khi tham dự kỳ thi này, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng: “Nhà trường rất mong những học sinh có mơ ước trở thành nhà giáo, trở thành sinh viên các trường sư phạm sẽ đến với trường bằng kỳ thi này. Để đạt kết quả tốt, các em chỉ cần học chắc, nắm vững kiến thức ở chương trình phổ thông, đào sâu suy nghĩ, vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề; các em không cần đi học thêm ở bất kỳ nơi nào cả. Bên cạnh đó, bài thi ở đây được tổ chức riêng cho từng môn thi, gần giống với việc kiểm tra đánh giá ở bậc THPT nên sẽ không quá xa lạ với các em. Ngoài ra, nếu tính cả Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì sẽ có 8 trường ĐH sử dụng kết qủa của kỳ thi này để xét tuyển nên nhà trường sẽ tính toán theo hướng tạo điều kiện để các em được tham dự kỳ thi ở nơi gần nhất”.
Hình thành xu hướng xét tuyển theo nhóm trường
Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu. Do đó, Bộ GD&ĐT có chủ trương khuyến khích một số nhóm trường sử dụng kết quả các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đại học. “Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự quá nhiều kỳ thi”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, với hiệu quả của phần mềm xét tuyển chung, các trường ĐH không thể trở về với cách tổ chức thi ĐH trước đây là mỗi trường tự tổ chức thi mỗi kiểu theo hướng “trăm hoa đua nở”. Thay vào đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm trường. Điều này vừa tiết kiệm cho thí sinh, vừa thuận lợi cho chính các trường. Hiện nhiều trường ĐH lớn đang đảm nhận sứ mệnh “tiên phong” trong đổi mới tuyển sinh thông qua việc tổ chức một kỳ thi riêng, độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT để dùng kết quả xét tuyển cho nhiều trường.
Đơn cử như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội đã có hơn 60 trường ĐH trên cả nước sử dụng kết quả để xét tuyển; kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ trì tổ chức cũng đã có gần 10 trường khối kỹ thuật sử dụng kết quả để tuyển sinh và gần đây nhất là kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND năm 2022 do Bộ Công an tổ chức, kết quả cũng được các trường CAND sử dụng để xét tuyển chung. Và năm 2023, sẽ có thêm kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức để các trường ĐH Sư phạm có thể sử dụng kết quả này vào xét tuyển. Trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cũng dự đoán nhiều khả năng các trường ĐH Y, Dược với nhóm ngành đào tạo sức khoẻ cũng sẽ liên kết với nhau tổ chức một kỳ thi riêng để sử dụng kết quả xét tuyển chung.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, ưu điểm của các kỳ thi riêng sử dụng kết quả để xét tuyển chung là tuyển chọn được các sinh viên có năng lực phù hợp, góp phần giảm đáng kể chi phí từ ngân sách Nhà nước và chi phí của xã hội cho các kỳ thi tuyển sinh, tạo điều kiện để thí sinh chọn đúng và trúng tuyển ngành đào tạo, trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân. Qua đó cũng góp phần lan tỏa tích cực đến hoạt động kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường, đặc biệt là ở bậc phổ thông.
Đề thi gồm ba phần Toán học, Đọc hiểu, Khoa học/Giải quyết vấn đề, tổng thời gian 150 phút, ngắn hơn gần một nửa so với cấu trúc cũ. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được...
Nguồn: [Link nguồn]