Tuyển sinh đại học: Chuyển dần sang sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực

Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu phục vụ cho xét tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH chuyển dần sang sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều trường ĐH đã đa dạng hóa các phương thức xét tuyển. Ngoài phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường còn xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả học bạ…

Bớt lệ thuộc kỳ thi tốt nghiệp THPT

Dù phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm ưu thế khi hầu hết các trường ĐH đều sử dụng và thí sinh trúng tuyển nhập học chiếm tỉ lệ cao nhưng xu hướng các trường ĐH bớt lệ thuộc vào kết quả kỳ thi này đã thể hiện rõ bằng việc đa dạng hóa các phương thức xét tuyển. Nổi lên trong số đó là xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

ĐHQG Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển, sau đó đến ĐHQG TP HCM và nay có thêm 8 đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Khoa học và Công Nghệ Hà Nội, Bộ Công an, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và Trường ĐH Sài Gòn.

Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích chủ yếu là để xét tốt nghiệp THPT thì trường phải chủ động có các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo.

Thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐHQG TP HCM tổ chức

Thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐHQG TP HCM tổ chức

Theo quan điểm của trường, năng lực học tập của người học bậc THPT được thể hiện rõ nét nhất qua việc tiếp thu kiến thức các môn học từ đó định hình được tư duy định lượng, tư duy định tính và hiểu biết về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Do đó, để đánh giá năng lực người học, bảo đảm chuẩn đầu vào ĐH, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cần có một kỳ thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao; đồng thời kỳ thi cần được tổ chức, khách quan, công bằng, bảo mật đề thi và tiện lợi cho thí sinh.

Mới đây, 4 trường ĐH tại TP HCM gồm: ĐH Mở, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Ngân hàng và ĐH Sài Gòn đã bắt tay công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do 2 trường ĐH Sài Gòn và ĐH Ngân hàng tổ chức để xét tuyển. Đây là năm đầu tiên 2 trường tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển với tỉ lệ từ 15%- 20% tổng chỉ tiêu.

Tại Hà Nội, năm nay Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết chỉ dành 25% tổng chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm tới 70% chỉ tiêu của trường.

Nhiều trường xét tuyển từ thi đánh giá năng lực

Không chỉ tăng về quy mô tổ chức, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển.

2018 là năm đầu tiên kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức diễn ra tại 3 địa phương là TP HCM, Cần Thơ và Bình Định với 4.800 thí sinh tham gia thì nay kỳ thi được tổ chức tại 21 tỉnh/thành phố với gần 90.000 thí sinh tham gia, 87 trường ĐH, CĐ trong và ngoài ĐHQG TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

ĐHQG Hà Nội năm nay tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực với số lượng thí sinh đăng ký dự thi khoảng 70.000. GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội, cho biết năm 2022, có trên 60 cơ sở đào tạo ĐH tuyên bố sử dụng kết quả bài thi để xét tuyển. Năm 2023 sẽ có nhiều ngành đào tạo, nhiều trường ĐH trong cả nước sử dụng để tuyển sinh thời gian tới.

Ngoài ra, từ dữ liệu thi đánh giá năng lực năm 2022, Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi của ĐHQG Hà Nội và điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM.

Do đó, có thể nhiều trường ĐH phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi của ĐHQG Hà Nội để xét tuyển. Tương tự, các trường ĐH phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực...

TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường sử dụng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được nhiều trường sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, tùy vào nhóm ngành nghề đặc thù, các trường sẽ phối hợp tổ chức để tuyển sinh được những đối tượng thí sinh phù hợp. 

Gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực

Hôm nay, 26-3, gần 90.000 thí sinh bước vào kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM phối hợp cùng 47 trường ĐH tổ chức diễn ra tại 86 điểm thi thuộc 21 tỉnh/thành, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Những điều thí sinh cần lưu ý khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1

Hôm nay (26/3), hơn 90 nghìn thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. Để có kết quả tốt trong kỳ thi này, thí sinh cần lưu ý một số điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUY LÂN ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN