Tuyển sinh Đại học 2025: Sức hút kì thi riêng
Dù Bộ GD&ĐT đưa ra một số điều chỉnh để siết chỉ tiêu các phương thức xét tuyển sớm nhưng sức nóng của các kì thi do các đại học (ĐH) lớn tổ chức không giảm nhiệt. Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỉ lệ khống chế cho các phương thức khác nhau của cơ sở giáo dục ĐH.
Ưu tiên xét tuyển kết quả kì thi riêng
Ngày đầu tiên mở cổng đăng kí dự thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội cách đây 4 hôm đã có hơn 13.000 thí sinh đăng kí. Năm 2024, đợt 1 kì thi TSA có gần 2.800 thí sinh đăng kí dự thi. Ban Tuyển sinh dự đoán, đợt 1 năm tới có khoảng 15.000 -16.000 thí sinh đăng kí, tăng gấp trên 5 lần so với năm nay.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, nhà trường chờ quy chế tuyển sinh năm 2025 chính thức được ban hành để đưa ra phương án xét tuyển tối ưu. Ông Điền dự kiến phương thức xét tuyển tài năng (phương thức xét tuyển sớm) của ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn giữ 20% chỉ tiêu như mọi năm. Phương thức xét tuyển kết quả thi TSA sẽ dùng kĩ thuật để đưa về thang điểm 30/30 và xét cùng với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Điền, thí sinh có thể sử dụng đồng thời hai phương thức để xét tuyển. Tuy nhiên, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi TSA vẫn chiếm trọng số lớn hơn.
Năm 2025, ĐH Quốc gia TPHCM chỉ còn giữ 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng; xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm nay dự kiến có 6 phương thức xét tuyển bao gồm: kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác. So với năm 2024, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng thêm 3 phương thức xét tuyển.
Thí sinh chuẩn bị nhiều phương án tham gia xét tuyển ĐH năm 2025Ảnh: NHƯ Ý
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại có 22 cơ sở giáo dục ĐH đăng kí sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường để tuyển sinh đầu vào năm 2025, tăng 13 trường so với năm nay.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH năm 2025, một nội dung mới được dư luận ủng hộ là giải pháp kĩ thuật để siết tuyển sinh học bạ THPT đối với các trường ĐH.
Bộ GD&ĐT yêu cầu điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Như vậy, yêu cầu này bắt buộc điểm chuẩn các phương thức xét tuyển của một ngành học phải cùng một mức. Trường hợp sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Lí giải về việc siết chặt hơn các phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết, việc Bộ đưa ra giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua. Mong muốn của Bộ là việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kì học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. |
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, ủng hộ quy chế về việc hạn chế và thời gian và chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, vì nhiều năm nay, kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả THPT. Theo ông, vẫn còn tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ.
Bộ GD&ĐT không nên can thiệp sâu
Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT kiến nghị một số giải pháp nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2025.
Văn bản nêu rõ, dự thảo về quy định xét tuyển sinh từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến còn nhiều tranh luận trái chiều. Hiệp hội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng các phương thức tuyển sinh của các trường ĐH; loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào; yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học; cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lí, kiên quyết loại đi các tổ hợp “lạ”.
Hiệp hội kiến nghị Bộ GD&ĐT không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỉ lệ khống chế cho các phương thức khác nhau của cơ sở giáo dục ĐH. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT cần có quy định về tỉ lệ chỉ tiêu hợp lí cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng thí sinh ở vùng khó khăn không có điều kiện tham gia dự thi các chứng chỉ quốc tế và các kì thi riêng do cơ sở giáo dục ĐH tổ chức…
Nguồn: [Link nguồn]
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị giải pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương...