Tuyển sinh Đại học 2024: 'Tăng tốc' ôn thi đánh giá năng lực
Ngoài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lớp 12 đang dồn sức cho các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do các cơ sở giáo dục khác tổ chức nhằm có thêm cơ hội trúng tuyển đại học.
Còn 1 tuần nữa, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM sẽ diễn ra, sau đó là các kỳ thi đánh giá chuyên biệt trên máy tính của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, trường ĐH Sài Gòn… Xác định kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM là cơ hội để trúng tuyển sớm vào Trường ĐH Bách khoa, Lê Quang Trung (học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, quận 3, TPHCM) đã bắt đầu luyện thi từ hè lớp 11. Trung cho biết, sau gần 1 năm học, giai đoạn này, trung tâm thường tổ chức cho các em thi thử với thời lượng tương tự với kỳ thi thật, sau đó giải đề thi. “Ngoài học ở trung tâm, em còn mua sách luyện đề ở trên mạng để tự giải thêm ở nhà mỗi tối” - Trung chia sẻ.
Thí sinh luyện thi ĐGNL tại Trung tâm luyện thi Khang Duy ở TPHCM sau giờ học chính khóa trên lớp Ảnh: Nguyễn Dũng
Tương tự, Lan Anh (học sinh trường THPT Gò Vấp) cũng đang vào giai đoạn chạy “nước rút” cho các kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM và đánh giá chuyên biệt trên máy tính của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Để chuẩn bị cho hai kỳ thi trên, nữ sinh này học gần như kín lịch cả tuần. Ban ngày, Lan Anh học ở trường, chiều tối luyện ở trung tâm.
“Ưu tiên 1 của em là kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM bởi kỳ thi này được nhiều trường ĐH dùng để xét tuyển nên cơ hội trúng tuyển cao. Còn tham gia kỳ thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM là em muốn thử sức, trải nghiệm thêm. Nếu kết quả tốt, em sẽ dùng nó để xét tuyển ngành sư phạm tiếng Anh hoặc Quản lý giáo dục”, Lan Anh cho hay.
Ths. Trịnh Khánh Sơn - Giám đốc Quản lý và điều hành Trung tâm Luyện Thi Khang Duy thuộc Công ty TNHH Giáo dục Toàn Cầu Việt Âu Mỹ cho biết, số học sinh đang luyện thi ĐGNL chiếm phần lớn trong số học sinh theo học ở trung tâm. Nhiều em đã bắt đầu ôn luyện từ năm học lớp 11. Giai đoạn này, Trung tâm tổ chức kiểm tra thử định kỳ hằng tuần, bám sát theo cấu trúc đề minh họa năm 2024 và cấu trúc mới 2025, phân loại học sinh theo năng lực để luyện nâng cao, đảm bảo học sinh giải ít nhất 2 đề thi thử/tuần.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), qua khảo sát, số lượng học sinh lớp 12 của trường đăng ký thi ĐGNL đợt 1 năm 2024 cao hơn rất nhiều so với năm 2023. Xu hướng sử dụng kết quả học tập (học bạ) và điểm của kỳ thi ĐGNL xét tuyển vào ĐH đang chiếm ưu thế. Phụ huynh cần động viên con mình tham gia, bởi có hơn 100 trường ĐH sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển. |
“Giáo viên trực tiếp chấm bài, sửa bài chi tiết cho từng học sinh nhằm khắc phục lỗi sai và củng cố kiến thức” - ông Sơn nói và cho biết Trung tâm còn tăng cường bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu với mỗi giáo viên kèm 1 học sinh cùng lộ trình riêng biệt.
Cẩn trọng với luyện thi đánh giá năng lực
Theo khảo sát của PV, ngoài học ở trường, luyện thi ở trung tâm, nhiều học sinh còn tham gia học các lớp luyện thi online, học ở các hội nhóm trên mạng xã hội và mua đề ở đây với mục tiêu có kết quả tốt để đỗ vào ĐH sớm. Nhiều trang mạng còn đăng tải miễn phí bộ đề được cho là “đề thi chính thức các năm”, trong khi theo quy định, tất cả đề thi ĐGNL đều được thu lại sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Điều này khiến phụ huynh, học sinh băn khoăn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, việc tham gia luyện thi thường giúp thí sinh tự tin hơn, có kỹ năng làm bài tốt hơn. Tuy nhiên, đối với luyện thi ĐGNL, thí sinh cần cẩn trọng. Hiện nay, cá nhân, tổ chức ôn luyện thi dựa vào cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu của các ĐH công bố để xây dựng đề thi cho học sinh giải nên những bài thi này chưa được kiểm chứng và có khả năng sai.
“Để đạt điểm cao kỳ thi ĐGNL, bản thân thí sinh phải có năng lực tốt. Đây là kết quả của cả một quá trình dài chứ không phải thời gian ngắn. Kết quả của các kỳ thi ĐGNL thời gian qua cho thấy những thí sinh có phương pháp học khoa học, có hệ thống, hiểu bản chất của vấn đề thì đạt điểm cao” - ông Chính thông tin.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, đối với kỳ thi đánh giá chuyên biệt của trường, thí sinh phải đăng ký dự thi và làm bài trên máy tính nên các em cần cẩn thận và lưu ý về độ chính xác. “Trường không cấu trúc theo tuyến tính mỗi bài học một câu hỏi mà có ma trận, đặc tả phù hợp với thí sinh. Do đó, việc chuẩn bị cho kỳ thi là cần thiết song phải trên cơ sở khoa học, hiểu vấn đề…”, ông Quốc nói.
Dù còn gần 1 tuần nữa mới hết hạn đăng ký thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhưng số thí sinh đăng ký tăng cao khiến Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngừng tiếp nhận đăng ký. Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG TPHCM cũng ghi nhận mức đăng ký cao kỷ lục với gần 100.000 thí sinh…
Nguồn: [Link nguồn]