Tuyển sinh: Chỗ nhận không hết, nơi lần chẳng ra!

Sự kiện: Giáo dục

Trong khi nhiều trường công lập tại các thành phố lớn tuyển vượt chỉ tiêu, có ngành vượt hơn 100%, thì các trường đại học địa phương lại thưa thớt sinh viên nhập học

Hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam có khoảng 250 trường ĐH, học viện nhưng số tuyển sinh tốt lại không nhiều và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Trường ĐH địa phương nhiều năm qua luôn ở thế khó.

Điểm "rẻ" cũng thiếu sinh viên

Tại Trường ĐH Bạc Liêu, trong số 13 ngành tuyển sinh năm nay thì 3 ngành sư phạm có điểm chuẩn là 19, các ngành còn lại đều lấy điểm chuẩn 15 (thang điểm 30, theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT); ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, điểm chuẩn của trường cũng ở mức điểm thấp nhất (18 điểm đối với các ngành ngoài sư phạm, các ngành sư phạm 24 điểm). Điểm chuẩn thấp nhưng trường cũng mới tuyển được 50% chỉ tiêu. Một đại diện của trường cho biết năm 2021, Trường ĐH Bạc Liêu có 1.000 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này trường mới tuyển được 50%, trường đã ra thông báo tuyển bổ sung vào các ngành đào tạo của trường. Theo đại diện này, tình trạng khó tuyển sinh đã bắt đầu từ 3 năm nay, nguyên nhân là do không có ngành mới, hấp dẫn trong khi vùng tuyển sinh ngày càng hẹp; nhu cầu nhân lực tại chỗ ngày càng giảm nên không thu hút được người học.

Tại Trường ĐH Phú Yên, sau đợt xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển bằng học bạ, trường mới tuyển được chừng 400 trong tổng số 775 chỉ tiêu. TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 16 ngành gồm 9 ngành đào tạo sư phạm và 7 ngành ngoài sư phạm thì có khoảng 6 ngành trong và ngoài sư phạm không thể tổ chức đào tạo do mỗi ngành chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Tình trạng tuyển sinh khó khăn bắt đầu từ năm 2017 đến nay, có những năm trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.

Nguyên nhân được đại diện trường cho là bởi thí sinh có xu hướng tìm đến các trường ở những trung tâm thành phố lớn để có nhiều cơ hội việc làm khi còn là sinh viên cũng như sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, khó khăn khác cũng được kể đến, ví dụ như một số ngành kém hấp dẫn…

"Thời gian qua, trường cũng muốn mở những ngành mới, hấp dẫn nhưng khó ở chỗ khó thu hút giảng viên có trình độ do lương của giảng viên có trình độ thạc sĩ mới vào trường cũng chỉ dăm bảy triệu đồng/tháng" - TS Trần Lăng nêu thực tế.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Tuyển vượt chỉ tiêu một số ngành "hot"

Ở một số trường ĐH, để bù đắp số chỉ tiêu ở một số ngành không tuyển sinh được, các trường đang "vượt đèn đỏ" ở một số ngành "hot".

Trường ĐH Lao động - Xã hội có những ngành tuyển vượt gần 800% chỉ tiêu như ngành tâm lý có 354 thí sinh trúng tuyển trên tổng số 40 chỉ tiêu, ngành tài chính - ngân hàng vượt 652%, ngành kinh tế vượt 542%, ngành quản trị kinh doanh vượt 490%... Xét trên tổng quy mô, số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp của Trường ĐH Lao động - Xã hội vượt trên 317%.

Theo danh sách trúng tuyển ĐH bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Công đoàn, 100% các ngành của trường này đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu, trong đó một số ngành có số thí sinh trúng tuyển vượt hơn 100% so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh. Cụ thể, ngành công tác xã hội số thí sinh trúng tuyển là 446, trong khi chỉ có 200 chỉ tiêu, ngành xã hội học tuyển 405 thí sinh nhưng chỉ có 200 chỉ tiêu. Các ngành bảo hộ lao động, quan hệ lao động cũng đều tuyển vượt 80 so với chỉ tiêu.

Trong khi đó, Trường ĐH Kiến trúc có 19 ngành đào tạo, được chia thành 12 ngành, nhóm ngành tuyển sinh thì chỉ có 3-4 ngành có số thí sinh trúng tuyển dưới chỉ tiêu, còn lại đều vượt. Nhóm ngành điêu khắc và thiết kế nội thất vượt gần 85%, ngành thiết kế thời trang vượt 113%, ngành quản lý xây dựng vượt 144%.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Thị Giáng Hương, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Lao động - Xã hội, cho hay khi xác định danh sách thí sinh trúng tuyển, trường tính toán cả việc số lượng thí sinh ảo vì tuy thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng nộp giấy về trường, xác nhận nhập học hay không lại là quyền của các em. Hiện trường vẫn trong thời gian cho thí sinh nhập học nên chưa chốt được số lượng thí sinh vào trường năm nay.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ GD-ĐT có quy định để quản lý chỉ tiêu tuyển sinh. Những trường tuyển quá số lượng đã ghi trong đề án sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển quá chỉ tiêu vì thực tế, số lượng thí sinh ảo nhiều. Các trường tuyển sinh đến hết 31-12 nên phải chờ thí sinh hoàn tất việc nhập học mới có con số chính xác. 

Sắp xếp lại ngành nghề đào tạo

Theo TS Trần Lăng, tình trạng khó tuyển sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Trường ĐH Phú Yên. Do vậy, trường đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 tổ chức sắp xếp lại các ngành nghề đào tạo. Chẳng hạn ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, cùng với một số ngành đang tuyển sinh tốt, trường sẽ mở những ngành mới như ngành sư phạm khoa học tự nhiên; ngành sư phạm lịch sử - địa lý... để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Với khối ngành ngoài sư phạm, trường cũng sắp xếp lại để đào tạo những ngành phù hợp với nhu cầu của địa phương như các ngành về du lịch, quản trị kinh doanh, nông nghiệp...

Nguồn: [Link nguồn]

Nhầm lẫn tuyển sinh, nữ sinh trường chuyên từ đậu thành rớt đại học

Một thí sinh sau khi được Trường ĐH Ngân hàng TPHCM thông báo trúng tuyển đã xác nhận nhập học và nộp tiền học phí....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân - Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN