Tuyển sinh 2020: Thí sinh nên đăng ký xét tuyển như thế nào để tránh rủi ro?
Bộ GD-ĐT khuyên thí sinh nên dựa trên khả năng nguyện vọng sở thích/sở trường, có thể phát huy tốt trong lĩnh vực gì, điều kiện gia đình để lựa chọn ngành học phù hợp.
Tuyển sinh năm 2020, cơ bản giữ ổn định như năm trước, đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Năm nay, vẫn không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đối với thí sinh. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT vẫn có độ phân hóa. Do đó, thí sinh chỉ nên đăng ký vừa đủ để tránh rủi ro.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa)
Quy chế tuyển sinh quy định nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển với trường tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi THPT tương tự như năm 2019: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Như vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các trường sử dụng các tổ hợp tương ứng để xét tuyển.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, từ đó phân loại được học sinh (theo chuẩn đầu ra của giáo dục THPT). Trên cơ sở đó, các trường đại học có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.
Bộ GD-ĐT thông tin, qua báo cao nhanh của các trường gửi về, năm 2020, hầu hết các trường đều căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỷ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm so với năm trước. Nếu các năm trước tỷ trọng số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia ở mức cao hơn (ví dụ, trên 80% vào năm 2017, trên 70% năm 2018 và trên 60% năm 2019) thì năm nay tỷ lệ này dự báo sẽ vào khoảng 50%.
Sau khi phân tích các thuận lợi, bất cập phát sinh, trên cơ sở đề nghị của các trường đại học, Bộ GD&ĐT đã quyết định lựa chọn phương án sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương hỗ trợ các trường và thí sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo như năm 2019.
Đây là quy trình có giá trị thực tiễn, ổn định được triển khai trong các năm 2018, 2019. Năm 2020 mục đích Kỳ thi THPT là xét tốt nghiệp, do đó, trường nào có nhu cầu thì vẫn có thể vào hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để khai báo thông tin tuyển sinh và lọc ảo. Phương án này sẽ giải quyết được khó khăn đối với các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng…
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều nơi khác nhau, chỉ nên đăng ký vừa đủ để tránh rủi ro. Bởi đã từng xảy ra trường hợp 1 thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Điều này sẽ khiến thí sinh bị phân tán nguồn lực, sự tập trung cần thiết để vào được ngành/trường mình mong muốn.
Do đó, Bộ GD-ĐT khuyên thí sinh nên dựa trên khả năng nguyện vọng sở thích/sở trường, có thể phát huy tốt trong lĩnh vực gì, điều kiện gia đình để lựa chọn ngành học phù hợp. Thí sinh phải bám sát, nắm bắt thường xuyên thông tin về phương án tuyển sinh của các trường trên website để đăng ký nộp hồ sơ tuyển sinh, tránh tình trạng bị trùng hoặc sai nguyện vọng.
Nguồn: [Link nguồn]
Học viện Ngoại giao vừa thông báo về các phương thức tuyển sinh đại học năm 2020.