Tuyển sinh 2020 có điểm gì mới?
TP - Tuy vậy, vẫn còn một số điều tranh cãi.
Thi THPT quốc gia 2019 ảnh: Như Ý
“Chất lượng cao” nhưng điểm chuẩn thấp
Tại Khoản1 Điều 16 trong Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020 quy định điểm trúng tuyển chương trình chất lượng cao phải bằng hoặc cao hơn trúng tuyển chương trình chuẩn cùng ngành. Điều này đã nhận được ý kiến trái chiều từ các cơ sở giáo dục ĐH. PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), đề nghị Bộ GD&ĐT thay vì quy định điểm trúng tuyển đối với chương trình chất lượng cao, nên quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng sẽ hợp lý hơn.
Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo nguồn tuyển tốt. Vì vậy, nếu ngưỡng đảm bảo chất lượng của chương trình chất lượng cao bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà thì quá tốt, rất hợp lý. Nhưng điểm trúng tuyển lại phụ thuộc vào số lượng hồ sơ nộp vào. Vì chương trình này có chỉ tiêu riêng, phương thức xét tuyển riêng, dẫn đến điểm trúng tuyển phương thức đó khác nhau.
Ông Thắng cho rằng, nếu quy định điểm trúng tuyển chương trình chất lượng cao sẽ gây khó khăn cho các trường và không nhất quán với quy định khác trong dự thảo. Cụ thể là quy định nếu xét thí sinh chương trình chất lượng cao từ người trúng tuyển, điều kiện trúng tuyển do trường tự quy định.
Ông Thắng cho biết ĐH Bách khoa đã có góp ý và ĐH Quốc gia TPHCM cũng có công văn gửi Bộ GD&ĐT đề nghị sửa điểm này.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc đưa ra điểm chuẩn chất lượng cao bằng hoặc cao hơn đại trà như dự thảo quy chế của bộ là sai lầm. Vì theo PGS Dũng, các chương trình chất lượng cao là chương trình dịch vụ chất lượng cao, điều kiện, phương pháp và học phí khác so với chương trình đại trà. Số đăng ký nhiều thì điểm chuẩn cao, ít thì điểm thấp. Vì học phí cao, ít thí sinh đăng ký nên điểm chuẩn thấp hơn hệ đại trà chứ không phải chất lượng thấp.
Trao đổi về việc này, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) khẳng định, nếu gọi chương trình chất lượng cao theo các trường đang hiểu như vậy không đúng vì những thí sinh không đỗ đại trà nhưng lại đỗ chất lượng cao. Do đó, phải gọi đó là chương trình dịch vụ chất lượng cao mới đúng.
Thận trọng mở ngành mới
Một trong những vấn đề mà dư luận đang quan tâm là các trường được tự chủ mở ngành. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường phải tính toán rất kỹ việc này. Tránh tình trạng chỉ căn cứ vào ý kiến đề xuất của một số thầy cô hay một số đơn vị hoặc căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời mà mở ngành mới. Đặc biệt, tránh việc đưa ra tổ hợp xét tuyển (khối xét tuyển) thiếu cơ sở khoa học, không căn cứ thực tiễn, làm cả người học và xã hội lo lắng.
Theo Bộ trưởng, tình trạng này năm trước đã xảy ra. Chính vì vậy đề nghị năm nay các trường có nhu cầu mở ngành mới nên thận trọng.
“Đã đến lúc chúng ta phải tiếp cận theo hướng khác, nghĩa là không phải làm sao tuyển sao cho đủ chỉ tiêu, mà là người học đó có đủ năng lực để đảm bảo đầu ra hay không. Có thể tuyển ít nhưng chất lượng đầu vào đảm bảo, còn hơn tuyển rất đông mà trong quá trình đào tạo cứ rơi vãi dần. Đề nghị Vụ Giáo dục ĐH phải quan tâm, hướng dẫn các trường ngay từ khâu làm đề án tuyển sinh, làm sao để khi trường công bố đề án thì đó là những đề án có chất lượng”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
“Các trường càng làm chắc chắn khâu nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng, thì khi tổ chức tuyển sinh, thực hiện quá trình tổ chức giảng dạy, đầu ra sẽ rất tốt. Nếu vội vàng dễ phải trả giá. Vì dễ dẫn đến tình trạng trong quá trình đào tạo không có đầu ra, không có giảng viên dạy, chỉ cần có một ngành không đảm bảo chất lượng, thì sẽ bị mang tiếng cả trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. Lý giải của người đứng đầu ngành giáo dục cho hay tự chủ không có nghĩa các trường muốn làm gì thì làm. Ngành mới không phải do trường tự tạo ra. Phải có căn cứ khoa học và thực tiễn. Đề nghị các đơn vị chức năng kiểm tra rất kỹ các ngành mới”, ông Nhạ thẳng thắn.
Bộ trưởng Nhạ cũng nêu thực tế qua thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, số thực tuyển sinh thường chỉ chiếm 2/3 chỉ tiêu đăng ký. Như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng chỉ tiêu chưa sát thực tế, dẫn đến nhu cầu người học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ điểm đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho biết năm qua đã có một số trường đặt ra tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, hoặc lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố.
Nguồn: [Link nguồn]
Dự kiến, năm 2020, Bộ Công an sẽ áp dụng hình thức tuyển thẳng đối với một số đối tượng.