Tuyển sinh 2020: Ðảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh
Những trường hợp bất khả kháng, những sai sót không đáng có qua mỗi mùa tuyển sinh cần phải được rút kinh nghiệm để đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh..., đó là ý kiến của lãnh đạo các trường ÐH nói về mùa tuyển sinh 2020.
Cần đảm bảo quyền lợi tối đa cho sinh viên khi tuyển sinh. Ảnh: Như Ý
Ðề xuất các trường phối hợp
Chia sẻ về những điểm cần thay đổi trong kỳ xét tuyển CĐ, ĐH 2020, đại diện Học viện Kỹ Thuật quân sự cho rằng, trong khối ngành quân sự, thí sinh xét tuyển vào trường phải trải qua 2 vòng khám sức khỏe. Trong đó, vòng 1 khám trước khi làm hồ sơ xét tuyển ĐH. Đến khi có điểm thông báo trúng tuyển, thí sinh tiếp tục kiểm tra sức khỏe lần 2, nếu đủ tiêu chuẩn mới được nhập học.
Những năm gần đây vẫn có hiện tượng thí sinh khám sức khỏe lần 1 tại địa phương đạt yêu cầu, nhưng đến khi kiểm tra tại các trường lại không đạt nên không được nhập học. Nhưng lúc này hầu hết các trường ĐH khác đều đã kết thúc thời gian xét tuyển. Do đó, đại diện trường Học viện Kỹ thuật quân sự đề nghị Bộ GD&ĐT cần có những quy định riêng với những trường hợp này để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
“Ngoài việc kiểm tra sức khỏe chưa được chặt chẽ, còn nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trong thời gian đợi kết quả thi THPT quốc gia. Ví dụ như có em không may bị tai nạn, tay có dị tật... có thể không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, nhưng với lực lượng vũ trang thì kể cả những điểm rất nhỏ cũng không được chấp nhận, lúc này cần có quy chế để chuyển các em sang những trường khác”, đại diện Học viện Kỹ thuật quân sự nêu ý kiến.
Thầy Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y dược Thái Bình cho rằng công tác tuyển sinh CĐ, ĐH 2019 vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến sự phối hợp giữa các trường phổ thông và ĐH chưa tốt, khiến thí sinh vất vả.
“Khi chúng tôi tiếp nhận thí sinh trúng tuyển thì phát hiện có rất nhiều em bị sai về đối tượng tuyển sinh. Khi áp dụng mã đối tượng, có thể cán bộ làm công tác hướng dẫn tuyển sinh tại các trường phổ thông nhầm lẫn giữa tiêu chí xét tuyển và tiêu chí xét tốt nghiệp, do đó đối tượng bị sai. Điều này khiến các em không đủ điều kiện xét tuyển vào trường, chúng tôi lại phải căn cứ vào kết quả thi, hướng dẫn các em liên hệ với các trường ở nguyện vọng tiếp theo để đăng ký nhập học. Do đó, đề nghị với những trường hợp sai sót trong quá trình khai báo, làm hồ sơ, do yếu tố khách quan, các trường cùng phối hợp để đảm bảo quyền lợi thí sinh”, ông Bình đề xuất.
Quy định không khả thi so với thực tế
Nói về mức điểm chuẩn trong khối ngành Y dược, theo ông Ngô Thanh Bình, qua công tác tuyển sinh từ năm 2015, trong việc đào tạo cho khu vực “3 Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), mức điểm trúng tuyển của những thí sinh này thấp hơn 2 điểm so với những thí sinh khác, song sinh viên vẫn có thể hòa nhập và học tập tốt. Do đó, trong quy chế năm nay, dự kiến mức điểm này giảm xuống còn 1 điểm, nên thầy Bình kiến nghị Bộ GD&ĐT cần cân nhắc thêm.
Đối với đào tạo liên thông, thầy Bình cho biết, hiện trên cả nước không có y sĩ trình độ cao đẳng mà chủ yếu là trình độ trung cấp. Nếu thực hiện theo quy định, những đối tượng này muốn học liên thông phải thi cùng các thí sinh thi THPT quốc gia. Điều này dẫn đến thực tế buồn là các trường không thể tuyển sinh hệ liên thông. Thầy Bình dẫn chứng, năm 2019, có những trường đặt chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông là 100, nhưng chỉ tuyển được 10-20 sinh viên.
Đại diện trường ĐH Y Thái Bình đề xuất, nên có ngưỡng đảm bảo chất lượng với đối tượng liên thông và đào tạo chính quy riêng. “Ngay trường ĐH Y Hà Nội ở các phân hiệu khác nhau, mức điểm chuẩn đã khác nhau, dù bằng cấp là như nhau. Như vậy, với những thí sinh có bằng trung cấp, thậm chí đi làm ở những vùng sâu, vùng xa cũng phải đáp ứng ngưỡng điểm như những thí sinh lớp 12 có thời gian ôn luyện để thi sẽ rất khó”, thầy Bình băn khoăn.
Trong khi đó, theo PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, chất lượng đào tạo được tạo nên từ nhiều yếu tố, không chỉ từ chất lượng đầu vào. Hiện nhân lực ngành y tế ở các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo rất khó khăn. Muốn tạo nền tảng vững chắc phải đào tạo tại chỗ, đào tạo liên thông cho những cán bộ y tế địa phương đã có bằng trung cấp hoặc cao đẳng.
Với đối tượng thí sinh này, dự thảo quy chế sửa đổi năm nay, Bộ yêu cầu điểm sàn khối ngành sức khỏe tương đương với thí sinh xét tuyển ĐH chính quy, tức phải đạt học lực loại giỏi (điểm trung bình chung các môn văn hóa THPT đạt từ 8 trở lên), hoặc tốt nghiệp THPT loại giỏi... “Yêu cầu như thế này không khả thi với thực tế, vì người đáp ứng được nếu có cũng rất ít”, PGS Khải nói.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, dù hình thức đào tạo như thế nào thì tốt nghiệp vẫn là bằng đại học. Do vậy không thể nói chính quy có ngưỡng điểm đầu vào rất cao, còn hình thức khác thì không cần quy định ngưỡng hay có điểm đầu vào thấp hơn. Vùng cao, vùng xa, nơi không tuyển sinh được thì phải điều chỉnh bằng chính sách khác. Vừa qua Chính phủ ban hành nghị định về việc đặt hàng đào tạo bằng kinh phí nhà nước, Bộ GD&ĐT cũng đang xin ý kiến hướng dẫn nghị định này.
Lo ngại thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ Nêu ra những bất cập trong công tác tuyển sinh khối ngành sư phạm, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ÐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, việc đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đã giúp các trường sư phạm tuyển được những sinh viên có chất lượng đầu vào khá hơn so với những năm trước. Song thầy Minh lo ngại rằng, khi Bộ GD&ÐT triển khai chương trình giáo dục mới, sẽ cần tính đến lượng giáo viên Tin học, Ngoại ngữ để đảm bảo đủ nhu cầu. “Hiện có rất nhiều sinh viên học ngành Tin học, Ngoại ngữ, nhưng khi ra trường không làm giáo viên, giảng viên do liên quan đến thu nhập. Nếu Bộ GD&ÐT không có những cơ chế, giải pháp thu hút thí sinh vào các ngành này thì chỉ 1-2 năm tới sẽ thiếu trầm trọng giáo viên Tin học, Ngoại ngữ”, thầy Minh nêu thực tế. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 – 2020 do các giáo viên giàu...