Tuyển sinh 2017: Điểm chuẩn đã thực sự “chuẩn”?

Đó là câu hỏi rất nhiều người đặt ra trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhất là khi xuất hiện những thí sinh đạt điểm tuyệt đối là 30 mà vẫn không đỗ ĐH, rồi những thí sinh có điểm thi cao hơn điểm chuẩn vẫn trượt ĐH vì tiêu chí phụ, điểm ưu tiên.

Dư luận cũng chưa hề “hạ nhiệt” với câu chuyện đầy tiếc nuối của thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự em đau xót khi thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội.

Trong kỳ thi THPT quốc gia, nam sinh này đạt số điểm lần lượt là Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10. Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 (làm tròn thành 29,25). 

Dù đủ điểm chuẩn vào trường là 29,25 nhưng khi xét tiêu chí phụ, H. trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau ưu tiên lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.

Theo nam sinh Hà Nội, điều khiến cậu bức xúc hơn cả là tiêu chí phụ số một: Ưu tiên điểm xét tuyển chưa làm tròn có công thức tính: Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích.

"Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?", P.H. thắc mắc.

Tuyển sinh 2017: Điểm chuẩn đã thực sự “chuẩn”? - 1

Tuyển sinh 2017: Điểm chuẩn đã thực sự “chuẩn”?

Rồi trường hợp của em V.H.H (trú tại TP.HCM) đạt được số điểm khá cao: Toán 9,6 ; Hóa 9,75 ; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Với số điểm này em rất tự tin đăng ký nguyện vọng ưu tiên số 1 là vào ngành Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM. Các nguyện vọng tiếp theo là Y Đa khoa - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y Đa khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ.”

Với số điểm trên thì điểm xét tuyển cho khối B của em là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không được điểm ưu tiên). Như vậy, theo quy tắc làm tròn, điểm nam sinh V.H.H giảm xuống còn 29,25 điểm.

Điều xót xa là NV1 ngành Y Đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM lấy đúng 29,25 điểm nhưng lại xét tiêu chí phụ: tiêu chí đầu tiên, Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên (nam sinh V.H.H chỉ được 8,8 điểm Tiếng Anh) và đương nhiên nam sinh này không có tên trong danh sách trúng tuyển của Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM”. Rồi nhiều em 30 điểm mà vẫn trượt ở khối ngành công an, quân sự.

Chia sẻ về những câu chuyện “kém may mắn” trong mùa tuyển sinh năm nay, độc giả Hoàng Kiến M. – Giảng viên ĐH Sư phạm Hà nội II cho hay: “Với mùa tuyển sinh mà điểm cao kỷ lục như năm nay, việc cộng điểm ưu tiên, tiêu chí phụ và làm tròn điểm đã khiến nhiều thí sinh mất đi cơ hội vào ĐH mặc dù điểm của các thí sinh này bằng so với điểm chuẩn.

Câu chuyện thí sinh 30 điểm trượt ĐH là câ chuyện hết sức vô lý. Giả sử những thí sinh sinh ra ở thành phố, không được ưu tiên khu vực cũng không được ưu tiên dân tộc thiểu số, có cố gắng thế nào đi chăng nữa, có đạt điểm tuyệt đối cũng không bao giờ “mơ” vào ĐH vì thực tế có những trường trong khối ngành công an, quân đội lấy hơn 30 điểm.

Việc chúng ta đem điểm cộng để so sánh ai giỏi hơn ai, từ đó quyết định kẻ đỗ, người trượt là điều không hợp lý. Điều đó sẽ dẫn đến việc chúng ta đã tước đi có hội phát triển của những nhân tài thực sự. Đạt được số điểm tuyệt đối không phải dễ.

Hay câu chuyện làm tròn điểm cũng vậy, điểm thi cao hơn điểm chuẩn vẫn thành người trượt ĐH, một câu chuyện thật như đùa. Điều đó dẫn đến nhiều người cho rằng, điểm thi thực sự của kỳ thi THPT quốc gia không còn quan trọng nữa”.

Cùng quan điểm trên, thí sinh H.V.A (một trượt NV1 vào ĐH Kinh tế Quốc dân)cho hay: “Em thấy thật sự bất công vì đâu phải cứ ai sinh ra ở Hà Nội hoặc TP.HCM là không khó khăn, đôi khi thiếu 0,5 điểm mà bao nhiêu công sức học tập đổ xuống sông xuống biển chỉ vì là " dân thành phố" . Và em là một “nạn nhân” như vậy. Học ở thành phố nhưng bố mẹ em cũng chỉ là những người lao động bình thường: Mẹ đi bán hàng rong, bố làm cán bộ tại phường. Kinh tế nhà em cũng khó khăn nên không có điều kiện đi học thêm nhiều. Và như bao người “kém may mắn” khác, em đã trượt ĐH vì không có điểm ưu tiên”.

Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Ở các nước có nền giáo dục phát triển, các trường top trên sẽ tổ chức một kỳ thi sát hạch riêng với đề bài riêng chứ không lấy chỉ dựa vào điểm tốt nghiệp THPT.

Từ điểm thi THPT, trường top trên sẽ tổ chức sơ tuyển một số lượng thí sinh nhất định để tìm ra những em thực sự xuất sắc đảm bảo chất lượng đầu vào của trường. Chỉ có cách làm như vậy mới tuyển được những thí sinh có năng lực thực sự và cũng không có chuyện 30 điểm vẫn trượt. Việc chỉ căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia, điểm ưu tiên và điểm làm tròn để xét tuyển sẽ khiến điểm chuẩn vào các trường trở nên chưa thực sự “chuẩn”.

Lạng Sơn: Sơ suất trong quá trình làm hồ sơ, nam sinh mất cơ hội vào đại học

Đó là câu chuyện rơi nước mắt của nam sinh Nguyễn Trường Nam (SN 1999, dân tộc Nùng, tại huyện Chi Lăng, Tỉnh Lạng Sơn).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN