Tuyển sinh 2016: Biết điểm thi mới được đăng ký nguyện vọng

Đây là điểm khác biệt lớn nhất ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 theo dự kiến của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT vừa có thông tin dự kiến về kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh năm 2016. Đại diện các trường ĐH đánh giá khâu tổ chức thi THPT quốc gia năm 2015 là khá tốt. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục như khâu công bố điểm thi, thời gian nộp, rút hồ sơ xét tuyển và các nguyện vọng đăng ký vào các trường khiến thí sinh lãng phí cơ hội học tập do không học đúng ngành nghề đã định hướng học tập từ các năm trước.

Bốn nguyện vọng không cùng một trường

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng hiện chưa có thông tin chính thức về quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm kỳ thi quốc gia năm trước, có thể có sự điều chỉnh phù hợp với kỳ thi và việc xét tuyển của các trường ĐH.

Theo ông Lý, năm nay nên để các cụm tổ chức thi cùng với Bộ GD&ĐT công bố dữ liệu điểm thi để chia sẻ áp lực, tránh quá tải do cùng lúc có quá nhiều thí sinh, phụ huynh vào tra cứu điểm thi. Đồng thời nên cung cấp dữ liệu điểm thi để các trường tự chủ xét tuyển, tự chịu trách nhiệm thay vì để các trường bị động như trước. Để thực hiện hai vướng mắc này cần phải xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu đồng bộ, có phần mềm xử lý việc nộp hồ sơ đảm bảo sự chính xác cao.

TS Lý góp ý thêm về việc nộp hồ sơ xét tuyển, thay vì nộp trực tiếp tại trường ĐH, trường THPT, sở GD&ĐT, năm nay nên cấp tài khoản để thí sinh ở nhà cũng có thể đăng ký. Khi thí sinh có điểm đạt vào một ngành của trường nào đó thì tài khoản khóa lại sẽ giảm được tình trạng thí sinh ảo cùng lúc nộp hồ sơ vào nhiều ngành, nhiều trường vào phút cuối.

Về chọn nguyện vọng, năm trước cho thí sinh đăng ký bốn nguyện vọng cùng trường, ông Lý cho rằng điều này gây một số phiền toái cho thí sinh như không đủ điểm vào ngành đã định hướng từ đầu, ngược lại vào phút chót tặc lưỡi chọn đại một ngành miễn có cửa vào ĐH. Điều này sẽ gây tâm lý không tốt, lãng phí thời gian và công sức học tập. Vì vậy năm nay nên duy trì cho thí sinh đăng ký bốn nguyện vọng nhưng không nhất thiết ở một trường để tăng cơ hội cho thí sinh vào ngành mình định hướng từ đầu. Với cách chọn nguyện vọng này đến công bố từng đợt xét tuyển, lấy điểm từ cao đến thấp, thí sinh không đủ điểm vào trường này thì vẫn có cơ hội vào trường khác có cùng ngành mình đăng ký.

Tuyển sinh 2016: Biết điểm thi mới được đăng ký nguyện vọng - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH năm 2015. Ảnh: P.ĐIỀN

Chú trọng hướng nghiệp bậc THPT

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng điểm vướng mắc nằm ở thời gian nộp hồ sơ xét tuyển quá dài. Do đó nên rút ngắn thời gian nộp hồ sơ trong vòng 10 ngày, thay vì 20 ngày như trước đây để thí sinh bớt chờ đợi nhiều ngày, gây lo lắng. Đồng thời nên hướng dẫn cho giáo viên ở các trường THPT tiếp nhận đăng ký hồ sơ xét tuyển, thay vì cập rập vào phút chót cho các trường THPT vào cuộc khi quá trình xét tuyển đang thực hiện gây nhiễu loạn việc rút, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

“Việc nộp hồ sơ tại các trường THPT với sự tư vấn đầy đủ, kịp thời của giáo viên sẽ hạn chế tình trạng thí sinh hoang mang rút/nộp hồ sơ vào các ngành, trường khi thông tin chưa đầy đủ. Điều này sẽ khiến thí sinh vừa mất cơ hội, vừa lãng phí công sức học tập nhỡ vào các ngành mình không mong muốn” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, thay vì cho đăng ký xét tuyển bốn nguyện vọng vào một trường nên giảm xuống còn hai nguyện vọng và không nhất thiết ở một trường để thí sinh có nhiều cơ hội hơn.

Một số trường ĐH tỏ ra khá thận trọng nêu ý kiến vì hiện chưa có thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT nên chưa đủ cơ sở thực tế để góp ý.

Theo phương án dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 để xét công nhận tốt nghiệp THPT thí sinh phải thi bốn môn, gồm ba môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn từ các môn  lý, hóa, sinh, sử, địa.

Đối với thí sinh thi mục đích xét tuyển ĐH thì dựa vào yêu cầu của trường ĐH, CĐ cũng như ngành trong trường này yêu cầu xét tuyển những môn gì thì thí sinh sẽ chỉ phải đăng ký số môn thi cho đủ để phù hợp cho việc xét tuyển, không bắt buộc thi các môn thi tốt nghiệp (nếu đã tốt nghiệp) và không giới hạn số lượng môn đăng ký. Điều đặc biệt là năm nay thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường nhưng không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển; thí sinh nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi theo quy định của trường nhập học.

Điểm khác biệt ở kỳ thi quốc gia 2016 là có thể thí sinh không phải đăng ký vào các ngành đào tạo, các trường ĐH-CĐ trước khi diễn ra kỳ thi mà chỉ đăng ký sau khi biết điểm thi.

Lịch thi THPT quốc gia 2016 dự kiến vẫn tổ chức vào tháng 7-2016. Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7-2016.

____________________________________

Về xét tuyển, Bộ không nên quản lý quá chặt cơ sở dữ liệu mà nên thả cho các trường sử dụng luôn trong tuyển sinh, thay vì cứ cung cấp nhỏ giọt. Trên cơ sở đó các trường chủ động phân tích phổ điểm, chủ động tuyển sinh đầu vào có chất lượng.

TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH ĐH Quốc gia TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN