Tuyển sinh 2014: “Học lệch” vẫn có thể đỗ ĐH

Các trường đại học có đề án tuyển sinh riêng, tuyển sinh không quá 2 lần/1 năm. Theo đề án này, học sinh học giỏi một môn, “học lệch” cũng có nhiều cơ hội để vào đại học hơn.

Sáng ngày 26/12, Đại diện Bộ GD-ĐT đã trả lời trực tuyến về thắc mắc tuyển sinh năm 2014 của học sinh, phụ huynh trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Tuyển sinh riêng giúp học sinh chọn đúng trường

Theo dự thảo của Bộ GD, kỳ thi năm 2014, các trường có thể chọn hình thức thi riêng hoặc thi “ba chung” do Bộ tổ chức. Trường nào tổ chức thi riêng, kết quả thi riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án; không được sử dụng kết quả của kỳ thi “ba chung” do Bộ tổ chức để xét tuyển vào trường.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi “ba chung” thực hiện hơn 10 năm nay được đánh giá cao, chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay Bộ bắt buộc phải thay đổi phương án tuyển sinh, kỳ thi “ba chung” không còn phù hợp với “đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.

Việc Bộ cho phép các trường tuyển sinh riêng không phải để “cứu” các trường ngoài công lập lấy thêm chỉ tiêu tuyển sinh. Mà mục đích chính muốn đề cao năng khiếu bản thân thí sinh, giúp các em chọn được trường đúng với năng lực của bản thân. Học sinh “học lệch” một số môn vẫn có thể vào đại học.

“Như vậy, các trường đào tạo sẽ tuyển được nhiều thí sinh, nguồn lao động tốt hơn mà không cần qua điểm sàn. Hiện nay, việc giao quyền tổ chức tuyển sinh riêng cho các trường đại học cũng là xu thế chung của thế giới”, Thứ trưởng Ga nói.

Theo Thứ trưởng Ga, các trường có đề án tuyển sinh riêng sẽ tạo cơ hội lớn cho học sinh khi đi đại học. Bởi Bộ không quy định thi theo khối, các trường có thể phỏng vấn thí sinh theo dạng kiến thức tổng hợp, toàn diện hoặc thi một môn chẳng hạn. Trường cũng có thể tự lựa chọn hình thức thi, hướng ra đề, đảm bảo không bỏ xót thí sinh có năng lực, giúp các em chọn được trường phù hợp.

Cách tuyển sinh riêng cũng sẽ khác tuyển sinh “ba chung” về cách ra đề, phương thức thi, đánh giá, xét tuyển, hướng ra đề. Các trường không nhất thiết phải ra đề theo hướng Bộ giáo dục tổ chức kỳ thi “ba chung” hằng năm mà có thể nghĩ ra cách ra đề khác để kiểm tra năng lực học sinh sao cho phù hợp với ngành nghề trường mình đào tạo.

Tuyển sinh 2014: “Học lệch” vẫn có thể đỗ ĐH - 1

Thứ trưởng Bộ GD Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Ga cho biết thêm, đối với những trường chưa sẵn sàng, chưa đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng có thể tổ chức thi “ba chung” như trước. Bộ GD đã xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện đề án này và sẽ bắt đầu tạo điều kiện để cho các trường tuyển sinh riêng từ năm nay. Sau năm 2016, Bộ sẽ xóa bỏ thi “ba chung”, năm 2017 sẽ bắt đầu tuyển sinh riêng.

Hiện tại, đã có 17 trường đại học trình đề án tuyển sinh riêng lên Bộ, trong đó có 3 trường cao đẳng. Bộ đã yêu cầu các trường gửi đề án tuyển sinh riêng trình lên và hạn cuối là 10/02/2013. Đến ngày 10/3/2014 Bộ GD sẽ công bố số trường tổ chức thi riêng trên phương tiện truyền thông đại chúng, cuốn hướng dẫn tuyển sinh 2014 để các thí sinh có thể lựa chọn, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Kỳ thi tuyển sinh năm 204, Bộ không đồng ý cho các trường tuyển sinh riêng sử dụng kết quả kỳ thi “ba chung” để xét tuyển vì đây là 2 thang đánh giá khác nhau, nếu sử dụng đồng thời thì không đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Đề thi vẫn bám sát chương trình học

Trước kỳ thi tuyển sinh năm 2014, nhiều học sinh băn khoăn không rõ trường mình nộp hồ sơ có tuyển sinh riêng không. Nếu có thì các em không có thời gian nhiều, nội dung ra đề thế nào, phương thức thi ra sao…

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho hay, năm 2014 các trường có thể tự chủ tuyền sinh, thay đổi hình thức thi nhưng nội dung thi vẫn bám sát vào chương trình phổ thông. Năm nay, thí sinh sẽ có cơ hội vào đại học nhiều hơn năm ngoái bởi mỗi trường sẽ tổ chức tuyển sinh hai lần/1 năm. Thí sinh có hai cơ hội để thi vào trường mình mong muốn.

Tuyển sinh 2014: “Học lệch” vẫn có thể đỗ ĐH - 2

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học

Việc tuyển sinh riêng ko lặp lại hình thức thi trong quá khứ, các trường có thể ra dạng đề tổng hợp, không phải kiểm tra thuộc lòng. Những trường đăng kí tuyển sinh riêng phải cam kết không tái diễn các lò luyện thi, dạy thêm học thêm và phải đề xuất được nhiều giải pháp khác nhau trong vấn đề thi cử.

“Để kiểm soát chất lượng tuyển sinh, chúng tôi đã yêu cầu các trường phải đáp ứng được những điều kiện ràng buộc như tự chịu trách nhiệm về đầu vào, không được tổ chức luyện thi, không phát sinh tiêu cực, đề thi phù hợp với chương trình phổ thông và chuyên ngành…” Ông Tuấn chia sẻ.

Các trường vẫn chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chịu sự giám sát của thí sinh, phụ huynh và xã hội. Đề án tuyển sinh của các trường sau khi nộp lên sẽ được đưa ra lấy ý kiến dư luận sau đó Bộ mới quyết định có phê duyệt hay không.

Hai cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đề thi, kiểm định đề thi và chất lượng đầu ra các trường. Các trường tuyển sinh riêng hay theo kỳ thi “ba chung” của Bộ, học sinh vẫn được cộng điểm ưu tiên vùng miền bình thường.

Hiện Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với nhau để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Nếu việc phân luồng làm tốt thì sẽ tiến tới bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học mà xét tuyển dựa trên học bạ trung học phổ thông. Lúc đó, chỉ có một số trường đại học tốp trên mới tổ chức thi tuyển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN