Tuyển sinh 2014: Đang hiểu sai về tự chủ!
Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu nhi của Quốc hội, đang có sự hiểu lầm về tự chủ tuyển sinh, và điều này cần phải bàn trước khi ngành GD&ĐT đưa vào quy chế tuyển sinh sửa đổi.
Vừa qua, báo chí đã đặt vấn đề cải tiến tuyển sinh vào ĐH, CĐ nên chung hay riêng; tuyển sinh riêng thì làm thế nào... “Gốc của vấn đề là giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa- Giáo dục-Thanh thiếu nhi của Quốc hội nói, “tuy nhiên, đang có sự hiểu lầm về tự chủ tuyển sinh, và điều này cần phải bàn trước khi ngành GD&ĐT đưa vào quy chế tuyển sinh sửa đổi”.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá, trước mắt là, đổi mới 2 kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT có thể coi là một giải pháp đột phá của ngành GD&ĐT bên thềm năm 2014; nhưng đó có thực sự đột phá hay không thì phải xem xét việc đó thực hiện như thế nào?
Đối với tuyển sinh vào ĐH, CĐ đã được Luật Giáo dục (GD) Đại học (ĐH) quy định. Nghị quyết T.Ư 8 cũng khẳng định một cách rõ ràng là ngành GD&ĐT phải giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở GD ĐH.
Thí sinh dự thi vào ĐH Tài chính kỳ tuyển sinh 2013. Hồ Thu.
Lúc đầu, sự việc còn lình xình, nhưng, nay dường như đã bắt đầu có tín hiệu khả quan hơn: Bộ GD&ĐT đang tích cực soạn thảo Quy chế tuyển sinh bổ sung phù hợp với việc giao quyền tự chủ tuyển sinh; một số trường ĐH lớn và một số trường ĐH ngoài công lập (NCL) cũng đã và đang tích cực chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng (đối với trường NCL là để giải quyết nhu cầu trước mắt về khó khăn trong tuyển sinh ).
Luật GD ĐH có quy định: Các cơ sở GD ĐH được tự chủ trong công tác tuyển sinh, được tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu theo quy định của Bộ GD&ĐT, chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở phải báo cáo đề án tuyển sinh riêng để Bộ duyệt thì sao gọi là tự chủ được? Rồi nữa, Bộ quy định trường phải theo kết quả ba chung hoặc nếu không có phương án phù hợp cũng cho phép là không hiểu đúng hai chữ “tự chủ”. Văn bản của Bộ GD&ĐT mà quy định thế sẽ bị thổi còi!
Điều mà Bộ GD&ĐT cần làm là phải quy định rõ xem các trường muốn xây dựng phương án tuyển sinh riêng thì phải đảm bảo những yêu cầu gì và Quy chế tuyển sinh phải ghi rõ những quy định đó. Các trường ĐH, CĐ muốn xây dựng đề án và căn cứ vào các yêu cầu đó để thực hiện. Bộ GD&ĐT chỉ cần kiểm tra xem các cơ sở có tuân thủ các quy định không. Đó là việc của công tác hậu kiểm mà Bộ cần làm tốt.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nghị quyết cũng có nói rõ là kỳ thi này cần được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng phải đảm bảo có đủ độ tin cậy để đánh giá đúng thực chất, khách quan, trên cơ sở đó sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH (hoặc dùng như một yếu tố để tuyển sinh). Hiện nay chưa rõ ngành GD&ĐT tổ chức theo hình thức nào nhưng phải giảm tốn kém, và tin cậy là mấu chốt của vấn đề.
Theo tôi biết, ngành GD&ĐT cũng đang quan tâm đến việc đánh giá trong suốt quá trình học tập của học sinh và như vậy, kỳ thi tốt nghiệp chỉ được xem như một kỳ thi lớn trong chuỗi bài thi kiểm tra trong các năm học chứ không phải là một kỳ thi duy nhất có giá trị đánh giá kết quả học tập của một giai đoạn. Việc đổi mới kỳ thi này cũng cần gắn liền với việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá nói chung. Đó chính là những phương hướng chung mà Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ trước khi thành văn bản.
Đào Trọng Thi