Tuyển sinh 2013: Ngành kinh tế "quá tải"
Bắt đầu từ năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ không cấp phép mở thêm trường, thêm ngành đào tạo thuộc khối kinh tế quản trị kinh doanh nữa.
Ngày 22/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị Giáo dục ĐH và Hội nghị tuyển sinh năm 2013. Sau Hội nghị, Bộ sẽ đưa ra quy chế tuyển sinh áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay. Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay.
Công tác tuyển sinh trong năm nay có những cải tiến gì mới thưa Thứ trưởng?
Từ nay đến 2015 thì không có thay đổi gì lớn trong công tác tuyển sinh. Bộ vẫn quản lí khâu đề thi và điểm sàn, đảm bảo chất lượng đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh vẫn do các trường chủ động điều chỉnh. Điểm mới là các trường văn hóa nghệ thuật không tổ chức thi môn văn mà xét kết quả học tập của học sinh ở phổ thông. Khối trường này sẽ được tự chủ tuyển sinh, tự ra các đề thi môn năng khiếu.
Ngoài ra, sẽ thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường có đầy đủ các điều kiện để thực hiện tuyển sinh. Các trường muốn tự chủ trong tuyển sinh cần xây dựng các đề án trình bộ để đảm bảo các trường có đủ khả năng để tự chủ tuyển sinh. Không được tuyển quá nhiều đợt trong một năm và đảm bảo tính nghiêm túc và sự giám sát của xã hội.
Bên cạnh đó, mùa tuyển sinh năm nay quy định về việc cho phép thí sinh có quyền được mang các thiết bị ghi âm ghi hình không có chức năng văn bản để giám sát kỳ thi sẽ được đưa vào quy chế.
Năm 2012 không chỉ các trường ĐH ngoài công lập, các trường ĐH vùng mà rất nhiều trường ĐH công lập cũng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Vậy nguyên nhân là do đâu và làm cách nào để khắc phục trong năm nay?
Việc khó khăn trong tuyển sinh chủ yếu tập trung vào các ngành kỹ thuật, kinh tế, ngân hàng và đặc biệt ở các trường tuyển sinh đơn ngành. Một phần là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhân lực ngành kinh tế đã bão hòa, các doanh nghiệp giải thể nhiều dẫn đến đầu ra dư thừa, thí sinh không thiết tha với việc chọn vào các khối ngành này nữa. Để khắc phục điều này, các trường cần đa dạng hóa ngành nghề, tự điều chỉnh chỉ tiêu các khối ngành theo nhu cầu xã hội, ngoài ra phải có những dự báo phù hợp trong tương lai.
Đối với các trường ngoài công lập cần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất giảng dạy, không chạy theo số lượng nữa, có như vậy mới thu hút được thí sinh.
Công tác thanh tra tuyển sinh trong năm 2013 sẽ được siết chặt như thế nào để tránh tình trạng các trường tuyển sinh bừa bãi khi được tự chủ thưa ông?
Năm vừa qua, Bộ đã tiến hành thanh tra và xử lý hàng loạt các sai phạm về tuyển sinh của các trường. Trong đó, có 22 trường đã bị kỷ luật và xử phạt vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu và xác định chỉ tiêu không đúng. Năm nay, Bộ sẽ tiếp tục siết mạnh công tác này nhằm đưa các trường vào khuôn khổ, nâng cao dần uy tín và chất lượng đào tạo của các trường. Ngoài chỉ tiêu, năm nay Bộ sẽ nhấn mạnh vào thanh tra chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, thực hiện liên thông và liên kết đào tạo… đây là những điều kiện tối thiểu để công tác tuyển sinh và đào tạo được đảm bảo.
Hiện nay, lượng sinh viên ra trường không kiếm được việc làm đang ở mức báo động, Bộ GD-ĐT có động thái nào trong năm tới để giảm tình trạng này?
Bộ đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến năm 2020, thay thế quyết định 121 của Thủ tướng trước đây để phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực. Chính phủ cũng vừa giao cho Bộ GD-ĐT triển khai đề án tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, trong đó có việc lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2015 – 2020.
Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích và định hướng cho các trường hạn chế mở các ngành mà xã hội đang dư thừa tập trung vào các ngành cần nhiều nhân lực. Bộ cũng đang điều chỉnh lại công tác dự báo nguồn nhân lực, xây dựng các trung tâm, mạng lưới dự báo nhân lực và sẽ công khai để học sinh và xã hội biết tự định hướng trong việc chọn nghề.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Bộ sẽ không can thiệp vào chỉ tiêu từng trường Bắt đầu từ năm nay, Bộ sẽ không cấp phép mở thêm trường, thêm ngành đào tạo thuộc khối kinh tế quản trị kinh doanh nữa, trừ những khu vực đặc thù thì có thể xem xét (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). Tại thời điểm này, các trường khối kinh tế, tài chính cứ cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên điều kiện của từng trường. Bộ sẽ không can thiệp bắt trường nào phải giảm chỉ tiêu, vì như vậy là phạm luật, tuy nhiên sẽ có thông báo tới xã hội và đặc biệt tới các em học sinh nên hay không nên thi những ngành nào. Những ngành học đã bão hòa về cầu lao động sau này cũng sẽ áp dụng những biện pháp tương tự. |