Tuyển giáo viên: Để các trường tự quyết
Trước thực trạng Sở GD-ĐT TP.HCM không tuyển được giáo viên, nhiều ý kiến cho rằng: Sở không nên tuyển chọn theo kiểu ấn chỉ tiêu, mà nên giao hiệu trưởng các trường tự quyết định. Cách làm như vậy sẽ tuyển được lĩnh vực, chuyên môn trường thiếu.
Không tuyển được vì áp lực nặng
Năm học 2012- 2013, TP.HCM chỉ tuyển được khoảng 2/3 số lượng giáo viên (GV) theo dự kiến. Việc không tuyển được GV đang trở thành vấn đề nan giải của ngành GD thành phố. Nguồn cung được xác định chủ yếu là các trường ĐH SP và Trường ĐH đào tạo ngành SP đóng trên địa bàn như ĐH Sự phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường CĐ Sư Phạm T.Ư TP.HCM…
Thầy Vương Đình Hội, một giáo viên THPT chỉ rõ, SV sư phạm ra trường đều đặn nhưng GV không tuyển đủ là vì những SV ra trường có năng lực, năng động, có kiến thức, hiểu biết XH sẽ không muốn đi dạy vì lương quá thấp, áp lực ngành giáo dục lớn. Những SV ra trường chất lượng yếu các trường sẽ không muốn tuyển.
Ngoài ra, còn có nhiều lý do như nhóm ngành cần tuyển thì không có GV, những nhóm ngành khác đã thừa lại càng thừa hơn.
TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chỉ ra một thực tế, nếu nhìn vào quy mô lớp học từ phổ thông đến các trường chuyên nghiệp đang thực sự quá tải. Một GV nước ngoài được trả hàng ngàn USD nhưng chỉ quản lý 30 HS trong khi đó một GV Việt Nam phải gánh vác tới 50 HS, thậm chí lên tới 60 - 70 HS nên áp lực rất lớn.
“Nghề giáo viên là lao động đặc thù, những chưa có giải pháp đánh giá người giáo viên đến nơi đến chốn, chúng ta đang “hành chính hóa” từ GV phổ thông đến GV ĐH đã làm cho áp lực GV nặng nề hơn. Tại sao cứ phải hoàn thành cái này thì mới xong việc, được thi đua, khen thưởng…” – tiến sĩ Dũng nói.
Về tuyển dụng GV Sở GD-ĐT không nên tuyển chọn theo kiểu ấn chỉ tiêu, nên đưa cho hiệu trưởng các trường tự quyết định sẽ tuyển ở lĩnh vực, chuyên môn trường thiếu.
Phải thay đổi chương trình đào tạo
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM nhu cầu GV từ nay đến năm 2015 và năm 2020 được tính toán dựa trên sự phát triển của trường, lớp và học sinh. Đến năm 2015 ngành giáo dục thành phố cần 136.122 cán bộ, giảng viên và đến năm 2020 cần khoảng 172.613 GV các cấp.
Biết được số liệu này, nhiều trường đào tạo ngành sư phạm đã có nhiều giải pháp chống thiếu hụt GV cho TP.
PGS.TS Nguyễn Khắc Hùng – trường ĐH Sài Gòn cho rằng, trước mắt, trường sẽ thay đổi các chương trình đào tạo, phần nào nhà trường không thể đào tạo được thì sẽ nhờ đến các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Khắc Hùng phân vân, nhà trường vẫn cần một số liệu cụ thể hơn là một con số chung chung bởi nếu đào tạo về chất lượng thì nguồn cung chắc chắn sẽ không đủ. Hơn nữa, đây mới chỉ là nhu cầu tuyển của Sở có thể sẽ thay đổi theo từng năm.
Việc Sở tuyển GV cũng không ghi rõ là chính quy hay không bởi mỗi năm ĐH Sài Gòn đào tạo một lượng sinh viên vừa học vừa làm rất lớn. Cụ thể, trong năm vừa qua nhà trường đào tạo cho thành phố 600 GV mầm non hệ vừa học, vừa làm….
Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Mỗi người GV khi đứng trên bục giảng đều có tâm nên cần phải động viên chứ đừng đè nén, GV cần sự tôn trọng vị trí và tôn trọng công việc. Tất nhiên là các trường sẽ phải xem lại chương trình đào tạo, bởi đào tạo nghiệp vụ sư phạm và tính sư phạm trong con người hiện đang ngày càng teo tóp”.
Về chất lượng, những GV đã đi dạy thỉnh thoảng vẫn được nhà trường cho đi học về đổi mới về phương pháp, nâng cao kiến thức nhưng số này rất ít….
Cũng theo TS Nguyễn Tiến Dũng, các trường không nên đề cập đến giải pháp nâng chất lượng đầu vào vì không khả thi. Tất nhiên một đầu vào thấp sẽ khó khăn hơn trong việc tạo một GV giỏi nhưng đó không phải là nguyên nhân mà cần xem lại mô hình đào tạo.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hữu Tá – nguyên GV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, hệ thống các trường SP hiện nay đang ngày càng rối rắm, nhiều trường ĐHSP đã biến thành trường ĐH đa ngành, khoa SP lép vế….
Vì vậy, cần coi SP là một mũi đột phá, phải đầu tư xây dựng đội ngũ GV cho tốt, toàn bộ quy trình đào tạo ngành sư phạm được hoàn thiện, từ khâu tuyển sinh cho đến bổ dụng. Khâu tuyển dụng phải làm sao để những người thầy tương lai khá về văn hóa, tốt hạnh kiểm, có tư thế ngoại hình để học sinh nhìn vào có thiện cảm; còn SV SP giỏi sau khi tốt nghiệp cũng hưởng quyền lợi tốt….