Tuyên dương 194 nhà giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật
Nhờ những nhà giáo say mê với nghề, tận tụy với học sinh mà nhiều thế hệ học sinh khuyết tật được đến trường, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, có học sinh mất hai tay nhưng được dạy viết bằng chân thành thạo.
Ngày 26.11 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong ngành giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 năm 2015. Trong lễ tuyên dương có 194 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện cho hàng chục ngàn giáo viên của các cấp học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong ngành giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 năm 2015
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, 194 nhà giáo và cán bộ quản lý được Bộ GD&ĐT tôn vinh, khen thưởng hôm nay là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, tài năng, trí tuệ, đại diện cho hàng chục ngàn thầy cô giáo đang chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh khuyết tật trong cả nước. Các thầy cô đã và đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ, tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ để các em được đến trường, được học tập và phát triển.
Theo thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, “Trong thời gian qua, toàn ngành giáo dục đã có những nỗ lực to lớn trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật. Tỷ lệ huy động học sinh khuyết tật đi học ngày càng tăng. Hình thức tổ chức lớp học linh hoạt tùy từng đối tượng trẻ khuyết tật. Nhiều học sinh khuyết tật đã thành công và đã đóng góp cho xã hội”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn chia sẻ: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo, nhưng cũng không ít những vất vả, nhọc nhằn. Chăm sóc, giáo dục học sinh bình thường đã khó, đối với học sinh khuyết tật lại càng khó khăn hơn”.
Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy phải được thiết kế đặc biệt, cần phải điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu riêng biệt của mỗi học sinh thiệt thòi, bị khiếm khuyết một phần cơ thể.
194 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện cho hàng chục ngàn giáo viên của các cấp học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.
Chính tình yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc với những cuộc đời bất hạnh đã giúp các nhà giáo, cán bộ quản lý vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả để hoàn thành nhiệm vụ; sự tiến bộ của các em mỗi ngày chính là niềm hạnh phúc của mỗi nhà giáo chúng ta.
“Thấm thía nỗi đau của các bậc cha mẹ có con bị khuyết tật, các thầy cô đã luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật, nhiều sáng kiến của các thầy cô đã được áp dụng đạt kết quả” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.
Từ những thành công bước đầu này, Thứ trưởng đề nghị các thầy cô giáo tiếp tục đổi mới, sáng tạo, với tình yêu thương học sinh khuyết tật, sẽ mãi là những nhà giáo mẫu mực về đức độ, tài năng, tinh thần tự học, được đồng nghiệp và nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Trao đổi bên lề buổi tuyên dương, Cô giáo Trần thị mão, Trường Tiểu học Quế Nam (Bắc Giang) cho biết, cô dạy học sinh khuyết tật đã 10 năm nay. Điển hình là học sinh Nguyễn Văn Đức bị thiểu năng trí tuệ. Sau thời gian được học tập dưới sự dìu dắt của thầy cô. Đến nay, Đức đang là thợ sửa chữa xe máy tại Bắc Giang. Đức là thành công lớn nhất của cô và đây cũng là động lực để cô dìu dắt các thế hệ học sinh khuyết tật sau này.