Tương lai đất nước ra sao khi học sinh chọn sai môn học?
Sách giáo khoa có sạn, chương trình chưa chặt chẽ chúng ta có thể sửa, thế nhưng việc chọn sai môn học cho bậc THPT là hệ lụy cả một cuộc đời phía sau của học sinh.
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cho bậc THPT. Thay vì 13 môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.
Bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Năm môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn). Đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Đây thực sự là sự đổi mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thực tế của người học, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và chương trình học tập hiện đại.
Chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT là học sinh tự chọn 5 môn học. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực sự quan tâm và đặt ra các vấn đề gặp phải khi triển khai thực hiện hay chưa? Điều kiện thực tế của của các trường hiện nay thế nào?
Điều quan trọng nhất, việc lựa chọn các môn học từ lớp 10 là điều quyết định căn bản đến tương lai nghề nghiệp của học sinh sau khi tốt nghiệp, gắn với sự trưởng thành, thành công hay thất bại của cả cuộc đời một con người trong tương lai, cũng như là quyết định sự phát triển hay lụi bại của cả một thế hệ, nói sâu xa là quyết định tương lai của cả đất nước. Điều này những người làm chương trình, triển khai chương trình đã cân nhắc và nghĩ đến hay chưa? Hay cũng chỉ nghĩ đơn giản là sự lựa chọn theo nhu cầu của con trẻ?
Hệ lụy của việc lựa chọn chương trình học của từng cá nhân là hết sức quan trọng. Vẫn biết rằng việc cá nhân hóa trong giáo dục để đáp ứng nhu cầu của người học là hoàn toàn phù hợp và theo xu hướng phát triển, nhưng để việc làm đó thực sự hiệu quả thì chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chứ không chỉ có vài văn bản hướng dẫn, vài cuộc tập huấn là giải quyết được vấn đề. Nếu chúng ta không nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, không nghiên cứu kỹ những cái được, cái mất trong lúc chuyển giao sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ảnh minh họa.
Tôi đã đọc các bài viết, các tranh luận của nhiều người, kể cả những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục về vấn đề này. Cá nhân tôi nhận thấy mọi người đang tập trung bàn luận các giải pháp xử lý vấn đề trước mắt, mà chưa có cái nhìn tổng thể, chưa nhận thấy hệ lụy lâu dài để tháo gỡ. Việc lo học sinh đăng ký ít, chưa đủ giáo viên, thừa giáo viên hay giáo viên sợ thất nghiệp, đó chỉ là những vấn đề trước mắt và quá ngắn hạn.
Vấn đề lâu dài là tương lai của học sinh, của thế hệ học sinh, của cả đất nước khi học sinh lựa chọn không đúng chương trình, môn học thì không ai nghĩ đến.Sách giáo khoa có sạn, chương trình chưa chặt chẽ chúng ta có thể sửa, thế nhưng việc chọn sai môn học cho bậc THPT là hệ lụy cả một cuộc đời phía sau của học sinh.
Chúng ta đã phải trả giá cho chất lượng nguồn nhân lực của ngành giáo dục khi thực tế trong một thời gian dài để tình trạng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” và phải có giải pháp khắc phục khi mấy năm trước có tình trạng thí sinh đỗ trường sư phạm với tổng 9 điểm thi của 3 môn.
Chúng ta đang suy nghĩ việc chọn môn học là do học sinh tự quyết định và tự chịu trách nhiệm? Đúng là như vậy, nhưng để giúp học sinh chọn đúng môn học, phù hợp với bản thân để có tương lai tươi sáng cho mình, cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước lại phụ thuộc rất lớn đến việc triển khai, thực hiện của các cấp quản lý giáo dục từ Bộ đến nhà trường, trong đó quan trọng nhất là vai trò của bộ Giáo dục và Đào tạo. Tương lai của đất nước đang trông chờ vào việc triển khai này.
Thiết nghĩ nếu chúng ta không có giải pháp mà phó mặc lựa chọn và quyết định tương lai cả thế hệ, tương lai đất nước cho đứa trẻ 15 tuổi và cha mẹ chúng khi mà thực tế tại Việt Nam học sinh lớp 12, thậm chí là sinh viên đại học vẫn chưa biết mình sẽ làm nghề gì, làm như thế nào, mà cơ bản lựa chọn nghề nghiệp theo trào lưu số đông, theo xu hướng xã hội là chính thì thực sự chúng ta có tội với các cháu và có tội với đất nước.
Rất mong các cấp, các ngành suy nghĩ thật thấu đáo và thật sự trách nhiệm khi triển khai để người dân yên tâm với sự nghiệp đổi mới giáo dục và mang lại hiệu quả thật sự cho người học, đừng làm vì thành tích, đừng làm vì tiến độ công việc.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!
Nguồn: [Link nguồn]
Theo chương trình Giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2022, học sinh THPT sẽ chỉ học 12 môn gồm 7 môn bắt...