Từ vụ MV của Sơn Tùng M-TP, đây là điều cốt yếu để cha mẹ bảo vệ con trước thông tin độc trên mạng
Nhiều chuyên gia lên án MV của Sơn Tùng M-TP khi xuất hiện cảnh tự tử, đồng thời lo ngại giới trẻ có thể bắt chước hành vi tương tự. Thực tế đã có những sự việc không hay xảy ra khi trẻ bắt trước làm theo video độc trên mạng. Đây là điều cốt yếu để cha mẹ bảo vệ con trẻ trước thông tin độc trên mạng.
MV mang tên There's no one at all (tạm dịch: "Không có ai cả") mới đây của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP với ca khúc 100% bằng tiếng Anh đã gây sự chú ý và bức xúc của dư luận. MV đứng ở vị trí top 1 trending trong danh mục âm nhạc thịnh hành trên Youtube chỉ sau 5 giờ đăng tải.
Sơn Tùng đã hóa thân thành một chàng trai với tuổi thơ khốn khó, là trẻ mồ côi lớn lên trong cô nhi viện. Chính sự thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ đã khiến tâm hồn cậu có những tranh đấu không ngừng. Cậu bé lớn lên thành một kẻ hay gây rối, lêu lổng. Xuất hiện cả những phân cảnh bị đuổi bắt, đánh đập từ bạn bè đồng trang lứa, tự tử…
Cho rằng đây là cách anh mạo hiểm rời khỏi vùng an toàn trước đây, nhiều người khi xem đã giật mình khi Sơn Tùng M-TP chọn cái kết tiêu cực cho nhân vật của mình. Nam ca sĩ vốn là thần tượng của giới trẻ. Khi xem những hình ảnh này, nhiều người lo ngại về cách anh xây dựng tình huống bi kịch như thế sẽ gây "hiệu ứng domino".
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, chưa xét về mặt nghệ thuật, nhưng với tư tưởng thiếu lành mạnh mà MV truyền tải thì cần phải gỡ bỏ. Hình ảnh tiêu cực xuất hiện trong MV như đánh đập, tự tử… có hiệu ứng lây lan. Giới trẻ hiện nay, nhất là học sinh dễ học theo khi mà được "dạy" từ một người nổi tiếng. Có thể nghệ sĩ vì muốn "ăn theo" xu hướng của xã hội hiện nay nhưng vô tình lại gây ra những hệ luỵ cho xã hội.
Trẻ nhỏ hiện nay tiếp cận với các công nghệ thông tin rất nhiều. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua khi mà các em học sinh học online vì dịch bệnh. Các em sử dụng thành thạo về công nghệ, tiếp cận với những luồng thông tin không lành mạnh dễ làm theo. Trẻ lại có xu hướng bắt trước. Xem những MV mang nội dung tiêu cực khiến trẻ quên điều tốt đẹp xung quanh mà chỉ tập trung vào lo lắng, nỗi buồn trong cuộc sống. Khi gặp phải một sự trở ngại nào đó, sẽ thôi thúc trẻ thực hiện hành vi tương tự. Đặc biệt là với những em đang gặp vấn đề về tâm lý.
Các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh là, chúng ta có thể phản ánh, khắc hoạ sự thật của xã hội nhưng cốt yếu phải đưa đến giải pháp mang tính "có hậu". Nhiều người thu hút sự chú ý của dư luận bằng cách lựa chọn đưa câu chuyện mang tính chất đe doạ mà không nghĩ tới mặt trái có thể gây hại cho cộng đồng.
Những người nổi tiếng khi trực tiếp đóng vai những nhân vật có hành vi tiêu cực có thể khiến trẻ em bắt chước theo. Giới trẻ khi quá hâm mộ nên thường mặc định rằng, hành động tương tự sẽ giúp đến gần hơn với thần tượng.
Trên thực tế, mạng xã hội thời gian qua cũng xuất hiện rất nhiều những clip dạy làm tổn thương cơ thể. Không ít trường hợp nhập viện cấp cứu sau khi đã học theo trên mạng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng chống bạo lực toàn cầu, tại mỗi thời điểm có khoảng 750.000 người đang cố gắng tiếp cận trẻ em qua mạng vì mục đích tình dục, 75% trẻ có tiếp xúc với nội dung phản cảm trên mạng xã hội.
Việc bảo vệ con trẻ trước những thông tin độc trên không gian mạng hiện nay không chỉ là việc "cấm" hay kiểm soát chặt trẻ xem cái gì, mà công cụ đắc lực nhất để bảo vệ trẻ chính là việc gần gũi của cha mẹ với con cái khi sử dụng mạng internet.
Cha mẹ nên xây dựng ý thức tự sử dụng và bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng cho trẻ. Chính sự chia sẻ, đồng hành cùng con của cha mẹ những gì nên hay không nên làm trên mạng rất quan trọng. Để khi có nội dung bất thường xuất hiện trẻ cũng sẽ tâm sự ngay với cha mẹ. Sự đối thoại sẽ giúp chặn những thông tin xấu độc không gây hại cho con trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian gần đây, nhiều trẻ gặp những vấn đề tâm lý ở mức nghiêm trọng, có hành vi tiêu cực, thậm chí là tự tử. Để nhận diện những bất thường và hỗ trợ con, PGS.TS....