Từ vụ giáo sư "quần đùi" Trương Nguyện Thành: "Du học xong mà về nước là… dại dột"?
“Một số bạn tôi tốt nghiệp ở nước ngoài và trở về nước làm việc họ đều phàn nàn rằng, thật “dại dột” khi học xong ở nước ngoài mà về nước làm vì lương thấp, bị chèn ép, thậm chí bị cô lập” - Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle (Australia) chia sẻ.
Vừa qua, GS Trương Nguyện Thành - nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen bỏ Việt Nam về Mỹ công tác khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.
Xung quanh câu chuyện này, Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên nghành giáo dục tại Đại học Newcastle, Australia và là thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA).
Rào cản từ những quy định chưa phù hợp?
Vừa qua, GS Trương Nguyện Thành đã bỏ Việt Nam về Mỹ công tác khi không được bổ nhiệm làm hiệu trường. Là một nghiên cứu sinh tại Australia, anh có suy nghĩ gì về sự việc này?
- Cảm giác đầu tiên đó là sự thất vọng về chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài của chúng ta. Chính sách này dường như nó còn mang nặng tính hình thức chứ chưa đi vào thực tế, thực chất.
Đã có rất nhiều trường hợp chưa đủ bằng cấp, chưa đủ năm kinh nghiệm công tác hay thời gian quản lý vẫn được châm trước để được bổ nhiệm, đề bạt vào những vị trí cao trong chính quyền.
Trong khi đó, những người thực tài như GS Trương Nguyện Thành, được đào tạo ở nước ngoài, có nhiều đóng góp khoa học cho quốc tế, được tín nhiệm tại trường lại không được công nhận chức danh hiệu trưởng chỉ vì những tiêu chí đã lỗi thời.
Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia. Ảnh: NVCC
Điều đó cho thấy điều gì bất cập trong các quy định hiện hành tại nước ta?
- Một vấn đề bất cập có thể nhìn thấy đó là sự chậm thay đổi các quy định pháp lý so với sự phát triển của xã hội. Cá nhân tôi cho rằng, luật pháp cần có tính linh hoạt và cần thay đổi kịp với sự phát triển của xã hội.
Thực tế, ở các quốc gia phát triển như Đức hay Mỹ, Australia thì các chính sách pháp lý thay đổi rất linh hoạt theo nhu cầu thực tế của xã hội. Chẳng hạn, Luật di cư của Australia cứ 6 tháng lại được đưa ra để thảo luận, sửa đổi để thích ứng với tình hình mới.
Trong khi đó, Việt nam lại là quốc gia đang phát triển. Đảng và chính phủ đang có nhiều nỗ lực để giúp Việt nam bắt kịp và hội nhập với sự phát triển của thế giới thì các chính sách pháp luật cũng cần phải liên tục điều chỉnh bổ sung để bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Điều đáng buồn là chúng ta khá cứng nhắc và rất chậm điều chỉnh các quy định pháp luật phù hợp với thực tế xã hội
Cân nhắc về nước sau khi học xong
Trước GS Trương Nguyện Thành, nhiều nhân vật nổi tiếng, tài giỏi cũng không lựa chọn quay về nước để làm việc. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
- Một bất cập khác cũng cần phải đưa ra mổ xẻ ở đây là vai trò quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động của các trường tư. Thiết nghĩ, khi nhà nước giao cho các trường tự chủ thì nên để cho họ được tự chủ toàn phần kể cả về con người vì không ai khác chính họ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả, chất lượng và uy tín của cơ sở mình.
Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là dẫn dắt và hỗ trợ để giúp các cơ sở đó phát triển chứ không phải là hòn đá tảng chặn đường. Trong trường hợp của GS Thành khi xác định đó là nhân tài cần thu hút thì cớ sao chỉ vì một vài quy định lỗi thời mà để lãng phí chất xám.
GS Trương Nguyện Thành cho thấy bất cập trong chính sách thu hút người tài. Ảnh: TL
Ở những nước phát triển, những người giỏi sẽ được trọng dụng ra sao? Ở Việt Nam đâu là rào cản khiến chính sách “trải thảm” đến nay vẫn chưa hiệu quả?
- Một số bạn tôi tốt nghiệp ở nước ngoài và trở về nước làm việc họ đều phàn nàn rằng, thật “dại dột” khi học xong ở nước ngoài mà về làm cho nhà nước vì lương thấp mà còn bị chèn ép, o bế thậm chí bị cô lập vì mình không nằm “phe” nhóm nào.
Nhiều ý kiến đóng góp không được coi trọng mà còn bị coi thường vì được cho là không thực tế với Việt nam. Một số bạn còn bị bố trí khác chuyên môn được đào tạo, hoặc được giao cho vị trí mà hữu danh vô thực. Cho nên, chỉ muốn bỏ ngang và quay lại nước ngoài để tìm cơ hội khác.
Ở các quốc gia phát triển như Australia chẳng hạn, tiêu chí đầu tiên để tuyện dụng nhân tài đó là năng lực của cá nhân đó. Liệu cá nhân đó có đáp ứng được vị trí công việc đó không. Việc tuyển dụng là công khai, minh bạch và dựa trên một khung tiêu chí chung.
Ví dụ, tuyển dụng lao động chất lượng cao qua kỹ năng tay nghề thì họ xây dựng một khung điểm chung chẳng hạn là 60 điểm. Nếu đủ 60 điểm thì anh có thể nộp đơn để tuyển dụng cho vị trí đó.
Về cá nhân, anh có thể chia sẻ dự định tương lai của mình khi kết thúc nghiên cứu tại Australia, trở về quê hương hay tiếp tục ở lại nước ngoài?
- Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng mong muốn được trở về Việt Nam để góp phần nhỏ của mình trong việc xây dựng đất nước, nhưng chỉ sợ rằng lại lặp lại con đường mà những người bạn của tôi đã và đang đi. Có thể tôi sẽ ở lại học lên tiếp, chờ những biến chuyển tích cực từ trong nước và hi vọng có thể trở về để đóng góp hết khả năng mình cho Tổ quốc.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ nói trên!
Để thực hiện những dự án vì cộng đồng còn dang dở, chàng trai Nguyễn Quang Minh, sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại...