Từ vụ "giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành: Du học tiền tỷ ít ai về nước làm lương 10 triệu/tháng

Sự kiện: Giáo dục

Sau sự kiện “giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành về Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay ít người sau khi đi du học về nước để làm việc với mức lương phổ biến chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Học tốn tiền tỷ, về nước lương chục triệu

Trải qua những năm học Thạc sĩ tại London, Anh và hoàn thành tiến sĩ chuyên ngành tài chính tại Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Trung Thành (giảng viên Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội) chia sẻ, sự việc GS Trương Nguyện Thành về Mỹ là sự kiện đáng tiếc vì nâng cao chất lượng giáo dục đại học rất cần những người tài năng như vậy.

Nếu giảng dạy kiểu dập khuôn máy móc theo môi trường sư phạm ngày xưa thì nhiều sinh viên không thích GS Thành, nhưng nếu ở môi trường quốc tế, thay đổi tư duy giáo dục thì GS Thành sẽ được trọng dụng, sinh viên rất hào hứng với bài giảng của thầy.

Từng có quãng thời gian nghiên cứu, học tập tại Anh và Mỹ, TS Nguyễn Trung Thành chỉ ra một thực tế, đa phần du học sinh Việt Nam tại các nước giáo dục phát triển sau khi học xong đại học đều muốn ở lại học nâng cao trình độ, sau đó là tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp tại đó.

Bởi khi học xong mà về nước thì sẽ khó phát triển cũng như khó sử dụng được kiến thức đã học. Đây là một thực trạng từ khá lâu chứ không phải trong thời gian gần đây. Đa phần đi du học, ít người muốn quay trở về.

Cũng theo TS Thành, lựa chọn trở về nước làm việc của anh luôn được trường CĐ Cộng Đồng Hà Nội tạo điều kiện. Nghề giáo viên là nghề “truyền thống” của gia đình anh. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn cho cuộc sống và thỏa mãn đam mê đi du lịch thế giới, TS Thành còn là một doanh nhân.

Anh tâm sự: “Nếu trở về nước, bài toán kinh tế sẽ được đặt ra hàng đầu, số nhiều sẽ chọn doanh nghiệp liên doanh để có mức lương cao. Chứ bỏ ra tiền tỷ du học, học thạc sỹ, tiến sỹ về nước lương chưa được 10 triệu/tháng, cái này ai cũng nhìn ra và chắc hẳn sẽ có sự lựa chọn kinh tế của riêng mình”.

Trần Song (32 tuổi, đang sinh sống, làm việc tại Paris - Pháp) đã lựa chọn cho mình con đường lập nghiệp tại Pháp sau khi học xong chứ không trở về nước.

Anh chia sẻ: “Thời mới qua Pháp du học, tôi thấy chưa thích nghi được vì ngôn ngữ còn hạn chế, lại nhớ nhà. Nhưng sau đó tôi đã quen thuộc với cách học nơi đây. Tốt nghiệp, dù rất muốn về nước, nhưng tôi quyết định ở lại Pháp sinh sống, làm việc và tìm kiếm cho mình những cơ hội học tập nâng cao trình độ.

Dù không phải ai ở lại cũng thành công, nhưng tôi thấy cơ hội làm việc cũng tốt hơn, môi trường làm việc tôn trọng năng lực cá nhân và đề cao tinh thần làm việc nhóm”.

Từ vụ "giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành: Du học tiền tỷ ít ai về nước làm lương 10 triệu/tháng - 1

GS Trương Nguyện Thành khá nổi tiếng tại Mỹ, ông có biệt danh "Giáo sư quần đùi" khi giảng dạy ở Việt Nam. Ảnh: TL

Sẽ sửa đổi, điểu chỉnh lại luật cho phù hợp

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, thời gian qua phổ biến tình trạng sinh viên Việt Nam sau khi đi du học (trong số đó nhiều người được cử đi học) ở nước ngoài đã không trở về nước làm việc, đóng góp xây dựng quê hương.

Ngoài việc lương thưởng thấp, nhiều người không về nước vì khó phù hợp với điều kiện làm việc, phát triển tài năng. Thậm chí, trước GS Trương Nguyện Thành, còn có rất nhiều cử nhân, thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ ở nước ngoài cũng trượt công chức. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đã quá lạc hậu, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Giải thích về trường hợp GS Trương Nguyện Thành không đáp ứng tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học do chưa đủ 5 năm làm quản lý cấp phòng/khoa, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: "Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học phải từng tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm (Điều 20, khoản 2, điểm a)… Ở thời điểm hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đều tuân thủ quy định này".

Cũng theo bà Kim Phụng, hiện nay, luật Giáo dục Đại học đang được sửa đổi, bổ sung và Điều 20 nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội theo quy trình soạn thảo văn bản luật và sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế để đảm bảo chuẩn chất lượng đối với chức danh quản lý đại học. Đồng thời, đảm bảo quyền của Hội đồng trường nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nói chung.

Liên quan tới sự việc GS Trương Nguyện Thành, ngày 8/5 vừa qua, GS Thành cũng đã về Việt Nam để thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt cùng con mình.

Chia sẻ với báo chí, ông cho biết không cảm thấy buồn, không trách, cũng không tự ái. Bởi đây là quyết định đúng theo Luật Giáo dục đại học. Mặt khác, quyết định đó tạo một cơ hội để ông dừng lại, trở về Mỹ một thời gian và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Từ đó, ông có thể làm những việc lớn hơn và làm tốt hơn.

Từ vụ giáo sư ”quần đùi” Trương Nguyện Thành: ”Du học xong mà về nước là… dại dột”?

“Một số bạn tôi tốt nghiệp ở nước ngoài và trở về nước làm việc họ đều phàn nàn rằng, thật “dại dột” khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia đình & Xã hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN