Từ vụ cô giáo mầm non dùng gai bưởi đâm vào người trẻ, làm gì để tránh sang chấn tâm lý cho trẻ sau bạo hành?
Sự việc một cô giáo mầm non chất lượng cao Kỳ Bá Fairy Dream 2 ở Thái Bình dùng gai bưởi đâm vào người nhiều trẻ đang gây bức xúc dư luận. Trẻ sau khi bị bạo lực rất dễ bị sang chấn tâm lý, làm gì để tránh điều này là quan tâm của rất nhiều người.
Sự việc một cô giáo mầm non chất lượng cao Kỳ Bá Fairy Dream 2 ở Thái Bình dùng gai bưởi đâm vào nhiều học sinh đang gây bức xúc dư luận. Trước đó, trên một số hội nhóm trên mạng xã hội tại Thái Bình xuất hiện thông tin một số trẻ mầm non đang học tại lớp 4 tuổi Sunny 1 của trường bị cô giáo dùng vật nhọn giống như kim, gai đâm vào người. Một số phụ huynh có con học tại đây đã trình báo cơ quan công an khi phát hiện trên người con mình có những vết đâm nhỏ giống như bị kim đâm, gai đâm.
Trong buổi làm việc với nhà trường cùng lực lượng chức năng, cô Phạm Thị Thu Tr. (26 tuổi) đã thừa nhận việc dùng gai bưởi bẻ từ cây bưởi trồng trong khuôn viên trường châm vào tay chân một số trẻ mất trật tự.
Hình ảnh cô giáo mầm non ở Thái Bình dùng gai bưởi đâm học sinh đang gây xôn xao dư luận. Ảnh cắt từ clip.
Hiện nữ giáo viên đã tạm bị đình chỉ công tác. 9 bé có dấu hiệu bị cô giáo dùng gai bưởi đâm vào tay, đùi, lưng đã được cơ quan chức năng kiểm tra vết tích trên cơ thể phục vụ việc điều tra.
Trước hành vi bạo ngược trẻ em của nữ giáo viên, nhiều người rất phẫn nộ, lên án. Có một điều nhận thấy là thường sau các sự việc trẻ bị bạo hành từ giáo viên, người lớn… rất dễ để lại hậu quả về mặt tâm lý. Sau những sự cố này, việc tránh để trẻ bị sang chấn tâm lý là điều rất cần thiết mà mọi người cần đặc biệt quan tâm.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương – thường trực Thư viện lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam), trẻ bị bạo hành tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, tính cách của trẻ mà tổn thương tâm lý với trẻ khác nhau. Trước tiên, trẻ gặp phải những tổn thương về cơ thể. Những vết thương bầm tím đau đớn, xây xát trên chân tay, mặt mày…, ai cũng có thể thấy. Nhưng tổn thương lâu dài hơn là trẻ tổn thương về tâm lý, hụt hẫng trong tâm hồn. Những tổn thương này không biểu hiện rõ ràng nhưng nguy cơ về sau, ảnh hưởng lâu dài rất cao. Dù có được điều trị tâm lý, không ít trẻ cũng khó lấy lại được trạng thái bình thường như trước khi bị bạo hành.
Với những trẻ sau bạo hành, trẻ thường có biểu hiện sợ sệt, ngại tiếp xúc với người bạo hành trẻ và cả mọi người xung quanh, trở nên sống khép kín. Trẻ sau đó cũng thường có những biểu hiện tâm lý không ổn định như giận hờn, nổi nóng vô cớ, khó kiểm soát cảm xúc, tình cảm của mình. Trẻ có thể gặp phải những rối loạn giấc ngủ, biểu hiện ngủ mớ, giật mình hoảng loạn khi ngủ.
Nghiêm trọng hơn là "vết thương" do bạo hành làm trẻ mất đi niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Nhất là với những trẻ bị một giáo viên bạo hành thì sẽ dẫn đến tâm lý "đề phòng", mất niềm tin với tất cả những giáo viên khác.
Theo Ths.BS tâm lý Phạm Minh Triết, nếu như trẻ chỉ bị bố mẹ, thầy cô đánh 1 – 2 roi, trẻ có thể chỉ đau lúc đó. Trẻ sẽ quên nếu hành động này được ngưng lại tại đó, chấm dứt và không lặp lại nữa và có thể trẻ không bị tổn thương nữa. Nhưng nếu hành động này lặp lại nhiều lần sẽ để lại dấu ấn lâu dài gây ám ảnh.
Đừng nghĩ là trẻ bị đánh đập mới tổn thương mà ngay trẻ chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường lớp cũng là gián tiếp bạo hành trẻ, gây tổn thương đến trẻ. Không hiếm trẻ bị tổn thương tâm lý liên quan tới bạo hành ở trường như bị thầy, cô, bạn bè đánh hay chỉ nhìn thấy bạn bị đánh, trẻ cũng đã có tâm trạng lo sợ mình cũng sẽ đến lượt bị đánh.
Các chuyên gia cho rằng, những trẻ bị sang chấn tâm lý là khi đã cảm thấy mất an toàn nên gia đình cần tạo môi trường để trẻ cảm thấy an toàn. Cha mẹ quá lo lắng, trầm cảm càng làm cho trẻ bị sang chấn tâm lý nhiều hơn. Lúc này trẻ cần cha mẹ có thái độ tích cực, lắng nghe, đồng hành với trẻ, ôm ấp, vỗ về, an ủi để cho trẻ thấy chỗ dựa an toàn.
Người lớn hãy cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày như trước sau khi trải qua sự cố. Hãy tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, tập thể dục, tham gia các công việc hàng ngày... để giảm dần nỗi sợ hãi. Nếu trẻ gặp phải các biểu hiện sang chấn tâm lý, sợ hãi tăng, gia đình cần đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý khám, tư vấn, điều trị.
Nguồn: [Link nguồn]
Công an TP. Thái Bình đang xác minh thông tin một số trẻ em học tại Trường Mầm non chất lượng cao Kỳ Bá nghi bị giáo viên dùng vật nhọn đâm.