Từ vụ bé trai bị bắt cóc ở Bắc Ninh: Thói quen tai hại nhiều bố mẹ hay mắc vô tình có thể làm hại trẻ

Sự kiện: Giáo dục

Theo các chuyên gia, việc bố mẹ mải mê xem điện thoại hay các thiết bị điện tử mà không để ý đến con rõ ràng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy đến với trẻ nhỏ.

Mới đây, vụ bé trai hơn 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc đã khiến dư luận hết sức hoang mang, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ. Sự việc lần này cùng với các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trước đó cho thấy, bắt cóc trẻ có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, với bất kỳ gia đình nào và với trẻ em ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Từng đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, bắt cóc trẻ em đang là vấn đề gây ra nhiều lo lắng và bức xúc trong dư luận. Đối tượng bắt cóc trẻ em ngày càng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi hơn trong việc thực hiện hành vi của mình. Do đó, chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác, các gia đình có thể mất con trong nháy mắt.

Em bé bị bắt cóc trong lúc đang đi chơi công viên cùng bố. Ảnh TL

Em bé bị bắt cóc trong lúc đang đi chơi công viên cùng bố. Ảnh TL

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), thủ đoạn mà những đối tượng bắt cóc sử dụng rất đa dạng, điển hình là trường hợp trẻ chơi một mình ngoài đường hoặc đi cùng cha mẹ tới nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện, công viên…) nhưng thoát ly người lớn. Các đối tượng sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen, dùng những thứ hấp dẫn như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để dụ dỗ trẻ đi theo.

Như vậy, có thể thấy, bên cạnh thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ bắt cóc, phải thừa nhận một điều rằng, đôi khi, chính sự chủ quan, lơ là của những bậc cha mẹ, nhất là khi đưa con đến nơi đông người là điều kiện thuận lợi để những kẻ xấu có cơ hội thực hiện hành vi của mình.

Thực tế cho thấy, hiện nay, tại các khu vui chơi, công viên, nơi công cộng, không khó để thấy cảnh tượng nhiều bố mẹ chăm chú xem điện thoại để "giết thời gian" trong lúc đợi con chơi đùa. Đa phần trong số họ là để trẻ tự chơi hoặc thỉnh thoảng bố mẹ mới ngẩng lên nhìn con.

Chia sẻ về những nguy cơ đối với trẻ nhỏ từ thói quen này của người lớn, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, việc bố mẹ mải mê xem điện thoại hay các thiết bị điện tử mà không để ý đến con rõ ràng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy đến với trẻ nhỏ.

Theo đó, ngoài nguy cơ trẻ bị đối tượng xấu bắt cóc như trường hợp em bé ở Bắc Ninh, trẻ nhỏ cũng dễ bị lạc khỏi bố mẹ hoặc gặp những tai nạn thương tích nguy hiểm, đặc biệt là tại đó có ao hồ, đông phương tiện giao thông qua lại hoặc những chướng ngại vật khuyến cáo trẻ nhỏ không được đến gần.

Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng, thực tế, trên thế giới đã từng có nghiên cứu chỉ ra rằng, từ khi điện thoại thông minh ra đời, số trẻ nhỏ bị lạc khỏi bố mẹ đã tăng lên đáng kể. Hay cách đây không lâu, cư dân mạng đã chia sẻ một đoạn video được ghi lại bởi một camera an ninh trong thang máy, khi người mẹ đang tập trung xem điện thoại thì bé gái thoải mái đùa nghịch, đặt tay lên cửa thang máy. 

Khi cửa thang máy bất ngờ mở ra, cả bàn tay của cô bé đã bị cửa cuốn vào trong khe hẹp gây đau đớn, hoảng sợ. Điều đó cho thấy, việc hạn chế sử dụng điện thoại và để mắt đến con nhỏ là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Từ những nguy cơ trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khuyến cáo, khi đưa con nhỏ ra bên ngoài, nơi đông người như công viên, khu vui chơi, siêu thị…, bố mẹ không nên lạm dụng điện thoại, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết. Thay vào đó, cần đặc biệt chú ý đến con, không để con chạy linh tinh vượt ngoài tầm kiểm soát của mình.

Tại các khu vui chơi, hạn chế cho con chơi những trò chơi mạo hiểm một mình vì nếu bố mẹ không để ý, trẻ có thể gặp các tai nạn thương tích không đáng có.

Tại nơi công cộng, dạy con trẻ không được nô đùa, chạy nhảy xa ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Ngoài ra, cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt. Nếu bị người lạ kéo, dắt, lôi đi thì phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.

Nếu bố mẹ thấy có người lạ thường xuyên nhìn về phía con mình và có nhiều dấu hiệu khả nghi, nên dắt tay trẻ và tránh đi vào những khu quá đông người. Bởi lẽ, lượng người qua lại đông đúc là điều kiện thuận lợi để những kẻ bắt cóc dễ dàng thực hiện hành vi của mình.

Cùng với đó, bố mẹ cũng phải dạy cho con các thông tin cơ bản về gia đình như nơi ở, địa chỉ, họ tên bố mẹ, họ tên bé, điện thoại của bố mẹ để trẻ có thể tìm sự trợ giúp trong trường hợp trẻ bị đi lạc hoặc bị kẻ xấu dắt đi.

24 giờ truy tìm nghi phạm và giải cứu bé trai bị bắt cóc ở Bắc Ninh

Sau 24h nỗ lực điều tra, truy tìm manh mối của nghi phạm, lực lượng chức năng đã giải cứu được bé trai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thùy ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN