Tự tử vì làm bài không tốt, chuyên gia chia sẻ điều cần làm để tránh sốc vì kết quả thi
Kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT, biết mình không làm bài được tốt, nam sinh đã có ý định dại dột tự tử. Theo chuyên gia, kết thúc kì thi, không ít thí sinh có cảm xúc tiêu cực bởi kết quả không tốt như mong đợi và đâu là điều “cốt lõi” để các em vượt qua thất bại.
Tự tử vì làm bài không tốt
Kết thúc kì thi, không ít thí sinh có cảm xúc tiêu cực bởi kết quả không tốt như mong đợi. Thậm chí, một số học sinh nghĩ quẩn, tự tử vì làm bài không tốt, áp lực điểm số.
Nghe câu chuyện về một nam sinh vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPT đã tự tử bất thành khi làm bài không tốt đã khiến chúng tôi vô cùng đau lòng. Nam sinh ấy vốn là một học sinh giỏi. Kì thi tốt nghiệp này, cả gia đình đã rất kì vọng và ngay cả bản thân cậu cũng nghĩ mình sẽ làm bài rất tốt. Thế nhưng mọi thứ lại không được như kì vọng.
Dù chưa có công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT ra sao, thế nhưng về nhà xem lại các đáp áp, biết mình bị điểm kém cậu đã rất buồn. Cậu đã uống cùng lúc hơn chục viên Panadol để tự vẫn. Khoảng 1 giờ sau khi uống, nam sinh bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, co giật. May mắn được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương, sức khỏe của nam sinh đã dần hồi phục.
Ảnh minh họa
Những câu chuyện buồn về việc tự sát của những em học sinh không phải là hiếm gặp. Còn nhớ một trường hợp đau lòng đã xảy ra ở TP HCM. Một học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở quận 1 trong kì thi sát hạch đầu năm đã bị 3 điểm môn Tiếng Anh. Môn học đó em tự tin và giỏi nhất. Sau khi bị điểm kém, em đã bị trầm cảm, không muốn đi học. Và cuối cùng, điều đau lòng đã xảy ra khi em đã nhảy từ chung cư xuống đất và tử vong.
Những sự việc đau lòng cho thấy một bộ phận giới trẻ Việt ngày nay có mục tiêu phấn đấu rất ngắn hạn nhưng lại yêu cầu vô cùng cao, song khát vọng sống và đích sống của cả cuộc đời lại không có. Ngoài mục tiêu làm cha mẹ vui lòng, các em có quá ít những mối quan tâm, hướng phấn đấu. Khi mục tiêu mà gia đình yêu cầu không đạt được, các em cảm thấy như cuộc đời của mình hoàn toàn không có mục tiêu gì khác để sống.
Điều "cốt lõi" để con biết vượt qua thất bại?
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, bà Phan Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, Bộ Khoa học công nghệ cho biết, việc các em có những ý nghĩ dại dột, thậm chí tự tử khi biết mình không làm bài tốt… như trên cho thấy sự chuẩn bị tâm lý cho các em vào kỳ thi chỉ có một chiều là "phải chiến thắng" dẫn đến áp lực đối với các em quá lớn. Áp lực này có thể xuất phát từ chính bản thân các em, nhưng rất nhiều trường hợp lại đến từ chính những bậc phụ huynh.
Khi gặp thất bại, các em thất vọng, suy sụp, đổ vỡ cũng là điều dễ hiểu. Phải chiến thắng là đúng nhưng nếu thất bại thì sao? Chúng ta cũng chưa chuẩn bị cho các em tâm lý đón nhận điều này.
Một vấn đề nữa nhân đây các bậc cha mẹ cũng cần nghĩ đến, đó là kỹ năng sống của các em còn thiếu, nhất là kỹ năng đối đầu với sự thất bại, chấp nhận thất bại hay tự giải tỏa căng thẳng trong tâm lý. Những kỹ năng này rất cần thiết không chỉ với trẻ em mà đối với cả người lớn vì không phải lúc nào trong cuộc sống chúng ta cũng suôn sẻ và như mong muốn.
Bà Phan Lan Hương cho rằng cha mẹ cần tránh tạo áp lực và chú ý đến kĩ năng chống sốc cho các con.
Các em cần phải hiểu rằng, trong cuộc sống không chỉ có một lần thất bại. Điều quan trọng chúng ta nhận ra những điểm lỗi để rút kinh nghiệm và đứng lên làm lại. Sau mỗi thất bại chúng ta có tâm lý đau buồn là chuyện đương nhiên, nhưng cách chúng ta ứng xử với chúng như thế nào lại là bản lĩnh của mỗi người. Quyết tâm làm lại tốt hơn hay đắm chìm trong đau khổ? Sự lựa chọn của người thành công là ngay lập tức vạch ra một kế hoạch mới cho tương lai của mình.
"Bố mẹ, bạn bè là những người quan trọng. Nếu cảm thấy không vui hãy tìm đến những ai tin tưởng để được chia sẻ. Hãy tìm đến các hoạt động thể thao, tìm đến một không gian mới, một công việc yêu thích ... để cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là điều các con nên làm trong lúc này để vượt qua những khó khăn hiện tại" – bà Phan Lan Hương khuyên.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, tình yêu của cha mẹ, sự thấu hiểu của cha mẹ và cách ứng xử hợp lý là cách quan trọng để các con lấy lại tinh thần. Không chì chiết, trách móc, so sánh hay tỏ thái độ thất vọng, buồn rầu đối với con. Các cha mẹ luôn nhớ, bản thân các con trong lúc này cũng đang suy sụp và hẫng hụt nhiều lắm và điều các con cần là một chỗ dựa bình yên, an toàn. Nếu các con có những dấu hiệu của trầm cảm, dấu hiệu về sang chấn tâm lý nên đưa con gặp nhà tham vấn, trị liệu để các con được hỗ trợ vượt qua những khó khăn tâm lý hiện tại.
Nhiều bạn teen 2K3 "đau đớn" phát hiện ra mình đã sai những câu hỏi tưởng chừng như khá đơn giản trong Kỳ thi Tốt...
Nguồn: [Link nguồn]