Từ năm 2025, bài thi V-SAT sẽ có thêm môn thi mới?

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) vừa công bố đề minh họa 8 bài thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) năm 2025.

Đề thi minh họa V-SAT 2025 có 8 bài thi độc lập

V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính do các trường đại học tham gia chủ trì tổ chức, Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp, hỗ trợ, cung cấp ngân hàng câu hỏi.

Khác với 2 năm trước, bài thi V-SAT năm 2025 có những điều chỉnh phù hợp hơn với hướng đánh giá năng lực của học sinh THPT theo Chương trình GDPT 2018. Bài thi V-SAT được thiết kế để đánh giá năng lực của thí sinh nhằm mục đích tuyển sinh đại học. Năm 2025, bài thi này gồm 8 môn thi độc lập tương ứng 7 môn học trong chương trình THPT gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh và Ngữ văn. Như vậy, từ năm 2025, bài thi V-SAT sẽ có thêm môn Ngữ văn.

Cấu trúc chung các bài thi V-SAT 2025.

Cấu trúc chung các bài thi V-SAT 2025.

Bài thi được tổ chức thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng bài thi Ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính. Tùy vào mục đích sử dụng kết quả thi, nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của trường tuyển sinh, thí sinh được đăng ký dự thi từ 1 đến 8 môn.

Môn Toán và Ngữ văn thi trong 90 phút; 60 phút các môn còn lại. 4 dạng thức câu hỏi trong đề thi gồm: Câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai; câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp; câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn hoặc viết luận.

Đối với dạng thức câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, mỗi câu gồm 4 tiểu mục câu hỏi. Nếu trả lời chính xác 1/4 tiểu mục câu hỏi được 1 điểm, trả lời chính xác 2/4 tiểu mục câu hỏi được 2 điểm, trả lời chính xác 3/4 tiểu mục câu hỏi được 3 điểm, trả lời chính xác 4/4 tiểu mục câu hỏi được 6 điểm.

Với câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn, mỗi câu trả lời chính xác được 6 điểm. Dạng thức câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp, mỗi câu gồm 4 tiểu mục câu hỏi, trả lời chính xác được 6 điểm. Còn dạng câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn, mỗi câu trả lời chính xác được 6 điểm. Riêng bài viết luận môn Ngữ văn thực hiện theo hướng dẫn chấm và đáp án chấm, điểm tối đa là 30/150 điểm.

Dành tới 40% chỉ tiêu xét tuyển kỳ thi V-SAT 2025

Mới đây, Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 18 cơ sở giáo dục đại học trong tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi V-SAT cho năm tuyển sinh 2025.

18 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Duy Tân, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Tài chính-Markeing, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Học viện Ngân hàng.

Một số trường đại học cho biết dự kiến dành 10 - 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành năm 2025 cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi V-SAT.

Cụ thể, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến dành từ 35 - 40% chỉ tiêu các ngành xét kết quả kỳ thi này năm 2025. Trường ĐH Sài Gòn dự kiến giữ ổn định chỉ tiêu xét điểm kỳ thi V-SAT như năm ngoái, tối đa 15% chỉ tiêu các ngành không đào tạo giáo viên. ĐH Duy Tân dự kiến dành ít nhất 20% tổng chỉ tiêu của trường xét kết quả kỳ thi này. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến dành khoảng 10% chỉ tiêu, Trường ĐH Văn Lang dự kiến dành 5 - 10% chỉ tiêu…

Đại diện Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục cho biết: "Ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng theo quy trình khoa học, áp dụng các lý thuyết và kỹ thuật hiện đại của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục, bảo đảm có độ tin cậy và độ giá trị. Số lượng câu hỏi, số tiểu mục câu hỏi thi lớn, bảo đảm khách quan và công bằng trong đánh giá. Đặc biệt, năm 2025 sẽ có những thay đổi trong dạng thức câu hỏi, cách chấm điểm nhằm tăng tính chính xác trong đánh giá thí sinh".

Một số kì thi riêng do các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tổ chức sẽ mở rộng quy mô về không gian, số trường tham gia để tạo thuận lợi cho thí sinh xét...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Vi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN