Tự chủ đại học: Một năm nhìn lại

Năm 2015 có nhiều sự kiện nổi bật trong giáo dục ĐH. Riêng về mặt tự chủ, chúng ta đã có những bước tiến nào trong việc phát triển chính sách và những điều đó có ý nghĩa gì?

Vấn đề tự chủ đã được nêu ra lần đầu vào năm 2005 trong Luật Giáo dục. Đến nay, tầm quan trọng của nó đã được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam nhưng những bước tiến trong thực tế vẫn còn rất chậm, một phần do khung pháp lý chưa hoàn thiện và một phần do các trường chưa sẵn sàng thực thi.

Bước tiến trong năm 2015: Tự chủ tài chính

Năm 2015, có 2 diễn biến chính sách quan trọng: Chính phủ phê duyệt đề án 12 trường công tự chủ tài chính và chủ trương cổ phần hóa trường công.

Thực ra, quyết định mở rộng số trường công tự chủ tài chính này đã nằm trong một lộ trình bắt đầu từ năm 2006 qua Nghị định 43/NĐ-CP với 6 trường ĐH thí điểm tự cân đối thu chi để bảo đảm toàn bộ kinh phí thường xuyên. Điểm tiến bộ so với trước là nay không chỉ tự chủ về việc chi như thế nào mà còn tự chủ cả mức thu. Nói nôm na là để cho các trường công vận hành trong cơ chế thị trường, cho phép thu học phí cao và đưa ra chất lượng dịch vụ tương xứng. Nói cách khác là đa dạng hóa nguồn cung để tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người học.

Tự chủ đại học: Một năm nhìn lại - 1

Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Vẫn biết là điều này sẽ làm hẹp lại cánh cửa cho người nghèo nhưng một chủ trương tốt cần bao hàm được nhiều yếu tố bổ sung cho nhau: cần có những chính sách hỗ trợ bao gồm học bổng và tín dụng cho người nghèo; nếu chỉ dựa vào mức thu nhập của người nghèo để định ra mức học phí thì chúng ta không bao giờ có dịch vụ đào tạo ĐH có chất lượng.

Chủ trương này không hẳn là đã được hoan nghênh hoàn toàn cả từ phía các trường lẫn người dân. Nhiều năm thụ hưởng bao cấp về giáo dục, nhiều người chưa sẵn sàng chấp nhận quan niệm xem giáo dục ĐH là một dịch vụ và khi nhà nước không còn khả năng bao cấp, giá rẻ không thể đi kèm chất lượng tốt. Các trường cũng ít nhiều e ngại khi bị cắt bầu sữa ngân sách bởi lo thu không đủ bù chi, nhất là các trường kỹ thuật vốn phải đầu tư nhiều trang thiết bị.

Nhà nước sẽ có được sự đồng thuận và ủng hộ lớn hơn của công chúng nếu nhấn mạnh đầy đủ đến trách nhiệm giải trình của các trường, vốn là một công cụ hữu hiệu để cân bằng với quyền tự chủ và giúp các trường phát triển lành mạnh. Hơn nữa, rất cần nhấn mạnh rằng chuyển các trường công sang tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước trút bỏ trách nhiệm đối với giáo dục ĐH mà là đòi hỏi các trường phải thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, cải thiện hoạt động nhằm vào hiệu quả; còn nhà nước thì tập trung vào những lĩnh vực và chức năng mà thị trường không thể đáp ứng.

Một chính sách khác là cổ phần hóa trường công, tức biến trường công thành trường tư, đang gây ra nhiều e ngại. Bởi lẽ, điều đó sẽ được coi như đẩy nhà trường vào khu vực thị trường bằng cách thương mại hóa triệt để - một giải pháp biến tài sản công thành của tư rất xa lạ với thực tiễn quản trị hệ thống ở các nước.

Tự chủ tuyển sinh: Còn nhiều trắc trở

Năm 2015, tuyển sinh được thực hiện theo cách chưa từng có tiền lệ trước đây: kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một; thi trước chọn trường sau; thí sinh được chọn nhiều tổ hợp điểm khác nhau và xét tuyển công khai từ trên xuống.

Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều trục trặc trong quá trình thực hiện, gây bức xúc cho thí sinh và cả xã hội cũng như tốn nhiều giấy mực, thời gian để bàn luận. Trước khi bình luận về những điều này, có lẽ cũng nên nhắc lại rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cho phép các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng. Thực tế, đã có hàng trăm trường chủ động lập đề án, thực hiện tuyển sinh riêng theo cách của mình. Trong đó, có những nơi nghiên cứu rất cẩn thận và tổ chức một cách bài bản, hiện đại như ĐHQG Hà Nội. Các trường phải chịu cảnh nộp - rút náo loạn là những trường tham gia xét tuyển chung theo sự điều phối của Bộ GD-ĐT mà trực tiếp là Cục Khảo thí.

Mặc dù những hạn chế trong khâu tổ chức, đặc biệt về mặt kỹ thuật và quy trình thực hiện của Bộ GD-ĐT, có vai trò quan trọng gây ra những bất cập không đáng có nhưng chúng ta vẫn cần nhìn nhận rằng bước tiến lớn trong tự chủ tuyển sinh là việc bộ chấp nhận cho các trường được phép có phương án riêng, tức là chấp nhận một mức độ tự chủ rất đáng kể so với trước đây. Bởi lẽ, đi cùng với nó là sự đa dạng trong phương thức tuyển sinh.

Lãnh đạo nhiều trường nói rằng nếu được phép lựa chọn, họ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi năng lực của ĐHQG Hà Nội để xét tuyển vào trường mình. Điều này củng cố ý tưởng tách riêng 2 việc thi và tuyển, như một số chuyên gia đã đề cập từ lâu. Tách thi và tuyển là cách làm phổ biến ở nhiều nước vì bảo đảm phẩm chất kỹ thuật của việc đánh giá năng lực, quyền tự chủ của từng trường trong xây dựng chính sách, chiến lược và tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn sinh viên. Hiện nay, Việt Nam chưa thực sự đi theo hướng này, ngoài những trường có đề án tuyển sinh riêng, những trường tham gia xét tuyển chung chỉ dựa vào hầu như một nhân tố là điểm thi. Trong khi đó, điểm thi chỉ nói lên một phần năng lực người học, chưa kể là thi chung như năm nay thì có nhiều yếu tố làm cho điểm thi có khả năng không chính xác.

Tự chủ về nhân sự: Gây tranh cãi

Câu chuyện tự công nhận tiêu chuẩn giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đặt ra một vấn đề quan trọng hơn: chính sách bổ nhiệm và sử dụng giảng viên, nói rộng hơn là chính sách dùng người. Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng tác động của nó là đưa ra công luận tầm quan trọng của việc trao quyền cho các trường công nhận những thành tích học thuật của giới hàn lâm nhằm khích lệ và sử dụng họ tốt hơn.

Kết cục của câu chuyện ồn ào này là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấp thuận đề nghị của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước xem xét lại thủ tục, tiêu chuẩn, quy trình công nhận và bổ nhiệm giáo sư, nhằm thay đổi những bất hợp lý hiện thời.

Mặc dù chúng ta chưa biết chính sách mới về việc này sẽ ra sao nhưng có thể hy vọng nó thể hiện được xu thế quốc tế, là chuyển dịch trọng tâm về phía các trường. Hiện nay, hiệu trưởng các trường công cũng như tư đều do nhà nước bổ nhiệm. Chúng ta có thể hy vọng trong tương lai, quy trình lựa chọn lãnh đạo các trường cũng sẽ là câu chuyện của từng trường. Điều này đang được thấy rõ ở các trường công tự chủ tài chính. Do phải đương đầu với cạnh tranh của kinh tế thị trường, các trường công tự chủ tài chính đang có xu hướng tìm người lãnh đạo thực sự có năng lực chứ không chỉ là những người có gia thế hay quan hệ tốt.

Có thể nói, trong lĩnh vực tự chủ, Việt Nam đang tiến những bước rõ rệt và đáng khích lệ. Có lẽ điều cần nhấn mạnh là nhà nước cần chú trọng hơn đến những thiết chế bảo đảm trách nhiệm giải trình của các trường nhằm xây dựng vị trí quân bình của nhà trường và bảo vệ lợi ích của xã hội.

Chưa nắm được cơ hội tự chủ về học thuật

Tháng 4-2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 07 quy định về chuẩn đầu ra các bậc học từ cử nhân đến tiến sĩ và quy trình xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo; đồng thời công bố dự thảo về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo vào tháng 11-2015.

Những văn bản chính sách này đã thiết lập một hành lang pháp lý cần thiết để các trường có cơ sở thực thi quyền tự chủ của mình trong việc xây dựng chương trình và quyết định nội dung giảng dạy. Bộ chỉ hướng dẫn quy trình và khung khổ chung cho từng trình độ nhưng không can thiệp vào việc xác định chuẩn đầu ra của từng ngành, từng trường. Lạ lùng thay, một số trường lại cho rằng xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành, từng trình độ là việc của Bộ GD-ĐT và mong bộ sẽ làm thay việc ấy cho mình!

Có thể thấy đang có một không gian mở ra cho các trường để làm được nhiều việc có ý nghĩa đổi mới nhưng dường như nhiều trường vẫn chưa nắm lấy được những cơ hội ấy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN