Từ câu chuyện cậu bé đạp xe 100km thăm em: Giật mình việc trẻ thiếu kỹ năng sống

Sự kiện: Dạy con

Sau câu chuyện của cậu bé Quyết Chiến đạp xe hơn 100 km từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em, nhiều gia đình lấy đó làm bài học để “chỉ dạy” cho con. Tuy nhiên qua đây cũng cho thấy cha mẹ cần quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống cho con để bảo vệ chính mình.

Cảm kích nhưng đừng dạy trẻ học theo

Cậu bé Vì Quyết Chiến, 13 tuổi tự đạp xe từ bản làng Bống Hà (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xuống Hà Nội để tự mình đạp xe thăm em khi biết tin em nằm viện. Vượt những cung đường Tây Bắc ngoằn ngoèo, vượt những khúc cua tay áo hiểm trở, cậu bé đã một mình dốc hết sức đạp, dùng chân phanh ở những lần xuống dốc… Nhiều người đã tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ trước tình cảm của một người anh trai như em. Thậm chí có nhiều gia đình lấy đó làm bài học để “chỉ dạy” cho con.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại thì cũng khiến nhiều người phải giật mình về cách quan tâm kỹ năng sống cho các con.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, ý nghĩ và hành động của cậu bé xuất phát từ tình thương em là điều rất đáng quý. Tuy nhiên cũng chính vì còn thiếu kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân mà trẻ mới hành động không có sự “chuẩn bị” cho hành trình của mình như vậy. Kỹ năng sống sẽ giúp trẻ không ứng xử ngờ nghệch, không đẩy chính mình và người khác vào vòng nguy hiểm.

Nhìn chung trong số các kỹ năng sống có kỹ năng sinh tồn, bảo vệ bản thân, trẻ em Việt vẫn còn rất yếu. Không ít em bé 4-5 tuổi vô tư thò tay vào nút điện, bệnh viện cũng thường gặp các ca trẻ hóc dị vật. Thậm chí nhiều trẻ tuổi teen đuối nước vì không biết bơi hay không biết cách cứu đuối.

Ở hành trình của cậu bé 13 tuổi từ Sơn La xuống Hà Nội đối mặt với nhiều mối nguy nhưng không “chuẩn bị”, không có kỹ năng tự cứu mình. Đó là những cung đường đèo dốc mà cậu bé chưa từng đi và cũng chẳng biết đích đến của mình sẽ tới là thế nào, Hà Nội là bao xa. Đó là một chiếc xe không phanh, chiếc bụng rỗng, những người lạ nguy hiểm có thể gặp dọc đường… Xã hội nói chung tốt đẹp nhưng nếu chẳng may gặp phải người xấu thì sẽ ra sao?.

Mọi người có thể cảm kích về tình cảm của cậu bé dành cho em. Nhưng chúng ta không khuyến khích việc làm của cháu, chúng ta cũng đừng lấy đây là bài học về tấm gương để cổ vũ hành động liều lĩnh cho trẻ khác học theo.

Theo ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ rằng hành động của Chiến là liều lĩnh, thiếu kỹ năng sống. Mọi người đừng chỉ khen ngợi tình yêu thương, dũng cảm mà cần phân tích, hướng dẫn thêm các em về cách ứng phó phù hợp. Cũng đừng lấy đó làm “bài học” dạy con, nếu chỉ khen ngợi không khác gì cổ súy cho hành động dại dột này.

Trẻ nhỏ cần giáo dục cho các em kỹ năng ứng xử, kỹ năng sinh tồn, xử lý tình huống… Khi rời nhà, cậu bé không hề biết xin phép gia đình mình và cháu cũng không biết rõ được hành động của mình là nguy hiểm như có thể xảy ra tai nạn trên đường, có thể bị bắt cóc. Ý nghĩ là tốt nhưng hành động thì lại rất nguy hiểm khi trẻ còn nhỏ.

Kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ từ nhỏ

Cha mẹ dù muốn tạo một môi trường an toàn cho con nhưng không thể bao bọc hoàn toàn trẻ khỏi những chuyện bất ngờ ngoài tầm kiểm soát. Trong cuộc sống hàng ngày, tai nạn có thể ập đến với trẻ bất cứ lúc nào. Một trận mưa lớn có thể biến phố thành sông khiến nhiều trẻ nhỏ bị chết đuối giữa đường. Những đứa trẻ tò mò hiếu động có thể bằng mọi cách khám phá những ổ điện, phích nước... dẫn tới bỏng, điện giật. Điều quan trọng cần là dạy trẻ đối phó với các tình huống nguy hiểm bằng các kỹ năng mềm.

Để trẻ thiếu kỹ năng sống, lỗi chính xuất phát vẫn là ở người lớn không trang bị cho trẻ những kỹ năng sống tối thiểu, để tồn tại và bảo vệ mình. Khi thấy trẻ có một hành động nghịch dại đa số cha mẹ chỉ ngăn cản con mà không chỉ bảo, giải thích cặn kẽ vì cho rằng "trẻ còn bé thì biết gì mà giải thích". Điều này lại vô hình chung kích thích trẻ nhỏ thêm tò mò.

Giáo dục kỹ năng sống giúp các em tự tin, chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Ðó còn là việc tạo nền tảng để các em có những tri thức, kỹ năng căn bản để thích ứng với môi trường sống. Qua đó, nếu có gặp nhưng tình huống có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, trẻ vẫn biết cách phòng tránh, thoát hiểm, hạn chế những hậu quả đáng tiếc.

Các nhà giáo dục khuyên rằng, kỹ năng sống không chỉ học trong ngày một, ngày hai là biết. Trẻ cần được dạy về kỹ năng nhận diện các rủi ro từ 18 tháng, qua trải nghiệm hoạt động ngày thường ở gia đình. Hơn nữa, các kỹ năng sinh tồn cũng rất nên dạy trong chương trình giáo dục. Ở các nước phát triển, trẻ em được giáo dục các kỹ năng sinh tồn tại trường mẫu giáo qua những bài học trực quan, sinh động nhờ đó trẻ có thể ứng phó được những rủi ro trong đời sống.

Trẻ biết bơi chưa hẳn đã an toàn, bố mẹ cần dạy trẻ thêm những kỹ năng “sống còn” này

Những vụ đuối nước tập thể xảy ra trong thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh báo gia đình và cộng đồng trong việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN