Từ 15/10, ngừng đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số
Từ ngày mai (15/10), các trường tiểu học trên toàn quốc sẽ ngừng đánh giá học sinh bằng điểm số mỗi ngày.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành Thông tư số 30 với Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ học sinh.
Các trường tiểu học trên toàn quốc sẽ ngừng đánh giá học sinh bằng điểm số mỗi ngày.
Theo quy định, đánh giá sự tiến bộ của học sinh, các giáo viên không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh và các bậc phụ huynh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đánh giá học sinh tiểu học nêu trong Quy định của Thông tư mới là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
Đánh giá học sinh bằng nhận xét nhằm tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
“Thường xuyên dùng điểm số hàng ngày đã gây áp lực cho học sinh, phụ huynh; là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tình trạng học trước chương trình”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay việc đánh giá học sinh bằng tiểu học bằng nhận xét giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Giáo viên kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ cũng như nhận ra những khó khăn chưa thể tự vượt qua của các em để hướng dẫn, giúp đỡ.
“Với cách đánh giá học sinh bằng nhận xét theo hướng tích cực học sinh sẽ thích học và học tốt hơn”, ông Định nói.
Trước đó, từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT cho phép không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong suốt thời gian học. Theo nhiều phụ huynh, chính vì áp lực điểm số khiến họ phải buộc con trẻ bước vào cuộc đua điểm số bằng cách cho con đi học thêm, lấy lòng thầy cô hay nhồi nhét kiến thức vào đầu trẻ.