TS Phạm Tất Thắng: TP.HCM nên xem xét lại quy định cấm dạy thêm cứng nhắc

“Sở GD&ĐT TP. HCM nên xem xét lại chỉ thị cấm dạy thêm một cách quá cứng nhắc như hiện nay. Nếu học thêm chứng chỉ tiếng Anh, hay các môn năng khiếu theo nhu cầu thì nên tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên”, TS Phạm Tất Thắng cho hay.

Vừa qua, sự việc cô giáo Đ.T.T.N tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bị kỷ luật cắt thi đua cả năm học 2016 – 2017 vì dạy thêm đang khiến nhiều giáo viên bất bình.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

TS Phạm Tất Thắng: TP.HCM nên xem xét lại quy định cấm dạy thêm cứng nhắc - 1

TS. Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (anh: vietbao.vn)

TS suy nghĩ thế nào về việc giáo viên bị kỷ luật cắt thi đua cả năm học vì dạy thêm ở TP. Hồ Chí Minh?

TS. Phạm Tất Thắng: Theo tôi tìm hiểu thì quy định của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh là cấm dạy thêm kiến thức trên lớp và giáo viên dạy thêm bị kỷ luật là cô Đ.T.T.N luyện thi chứng chỉ tiếng Anh, đây là kiến thức không liên quan đến dạy và học trên lớp.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT lại không cấp phép giảng dạy cho bất cứ giáo viên tiểu học nào. Điều đó có nghĩa ở cấp tiểu học sẽ cấm học thêm. Trong trường hợp này, mặc dù cô Đ.T.T.N luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers cho học sinh nhưng Sở GS&ĐT lại không khuyến khích học sinh tiểu học học thêm nên có thể nói cô giáo này vi phạm quy định của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.

Thực ra, đối với vấn đề kỷ luật giáo viên Đ.T.T.N vì dạy thêm chúng ta cũng nên nhìn nhận dưới hai góc độ.

Thứ nhất, chủ trương của TP. Hồ chí Minh đang cấm dạy thêm thì việc cô Đ.T.T.N vẫn tổ chức dạy thêm dù hình thức này hay hình thức khác là vi phạm quy định của ngành.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác việc dạy thêm và học thêm cũng là nhu cầu và là thỏa thuận một cách tự nguyện của một bộ phận phụ huynh học sinh và giáo viên. Vì thế, chúng ta hãy nghĩ tới việc xử lý thế nào để mang tính chất nhắc nhở, không quá ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như tâm lý của bản cô Đ.T.T.N nói riêng và đại đa số giáo viên nói chung thì chúng ta cũng nên cân nhắc.

Từ sự việc của cô Đ.T.T.N thiết nghĩ, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng cần xem xét lại chỉ thị cấm dạy thêm một cách quá cứng nhắc như hiện nay. Với học sinh tiểu học không cấp phép cho dạy kiến thức trên lớp nhưng học thêm chứng chỉ tiếng Anh, hay các môn năng khiếu như: Hát, múa, nhạc, họa... trong khi số tiết học trên lớp chưa đáp ứng nhu cầu thì cũng nên tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên.

Có giáo viên cho rằng: “Việc giáo viên dạy thêm là một hoạt động cần được cho phép vì giáo viên lao động bằng công sức của bản thân họ. Việc học thêm là nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Nếu xem việc dạy thêm - học thêm là một dịch vụ thì giáo viên là người cung cấp dịch vụ và học sinh có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì các cơ quan chức năng nên xem xét và cấp mã số dịch vụ, có đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ như các ngành nghề khác”, TS suy nghĩ thế nào về ý kiến này?

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đó. Bởi lẽ, học thêm và dạy thêm thực sự là nhu cầu có thực của phụ huynh, của học sinh và của giáo viên. Chúng ta chia học sinh làm 3 nhóm đối tượng: Học sinh kém, trung bình khá và học sinh giỏi có năng khiếu.

Học sinh trung bình khá là học sinh đại trà chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xếp loại học lực cũng có nhu cầu học thêm, không phải học kiến thức văn hóa mà học kỹ năng sống, năng khiếu.

Còn hai nhóm còn lại họ có nhu cầu thực sự: Học sinh kém có nhu cầu phụ đạo để có thể theo được các học sinh đại trà; học sinh giỏi thì muốn được bồi dưỡng năng khiếu.

Đó là chưa kể, xu hướng của các phụ huynh, nhất là ở các thành phố lớn muốn con được bồi dưỡng để có thể vào học những trường chất lượng cao. Vì thế việc học thêm thực sự là nhu cầu.

Vấn đề là, chúng ta chỉ nên cấm việc học thêm tràn lan và có sự phân biệt rõ ràng giữa học thêm kiến thức trên lớp và học thêm năng khiếu hay các chứng chỉ.

Thực tế, hiện nay các nhà quản lý cũng rất khó trong công tác quản lý, phân loại được giáo viên dạy thêm theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh với giáo viên dạy thêm tràn lan. Vì thế, trước mắt, cơ quan quản lý tạm dừng hình thức dạy thêm.

Quan điểm của cá nhân là tôi ủng hộ việc dạy thêm nếu giáo viên nào có đủ khả năng cũng như điều kiện về thời gian và cơ sở vật chất. Và việc phụ huynh cho con đi học cũng là tự nguyện, họ tìm đến những giáo viên đáp ứng được yêu cầu của người học. Vấn đề là chúng ta tổ chức quản lý thế nào để việc dạy thêm, học thêm không bị biến tướng.

Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!

Trước đó, báo Infonet đã đưa tin  trường tiểu học Bành Văn Trân (TP. HCM) đã quyết định cắt thi đua trong năm học 2016 – 2017 đối với cô Đ.T.T.N vì cô này đã tiến hành dạy thêm với học sinh.

Được biết, cô Đ.T.T.N. thuê một địa điểm dạy nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 7 (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) và dạy thêm 2 nhóm (10 học sinh lớp 4, 5) luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers. 

Chủ yếu đây là các em học sinh của trường Bành Văn Trân. Mỗi tuần học sinh sẽ học thêm của cô Đ.T.T.N 2 buổi (mỗi buổi học là 90 phút, với học phí 500.000 đồng/tháng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN