Trượt Đại học- chỉ là thành công bị trì hoãn thôi mà

Mỗi mùa thi qua đi, bên cạnh những niềm vui hân hoan sẽ là những giọt nước mắt vì giảng đường Đại học chỉ còn là mơ ước. Nhưng bạn hãy dành một chút thời gian đọc những câu chuyện dưới đây, có lẽ những câu chuyện về họ sẽ giúp bạn tìm được lối đi cho riêng mình.

Sống chậm nhưng chắc hơn nhờ trượt Đại học

Trượt Đại học- chỉ là thành công bị trì hoãn thôi mà - 1

Nguyễn Thị Thu: “Mình quyết định thi lại, chỉ đơn giản là mình thấy mình cần tri thức, không được để bản thân mình lạc hậu, mình yêu thích việc học”.

Khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, Nguyễn Thị Thu (1992, Khoa Lịch Sử- Trường ĐH Vinh) đã được các công ty du lịch “chọn mặt gửi vàng”. Thậm chí, cô bạn là sinh viên duy nhất của Đại học Vinh vinh dự được tham gia hỗ trợ dẫn tour sang Thái Lan, cơ hội “ngàn năm có một” mà rất nhiều sinh viên ngành du lịch mơ ước. Hiện nay, dù mới ra trường nhưng Nguyễn Thu đã được đảm nhiệm vị trí hướng dẫn viên du lịch của nhiều tour quan trọng.Để có được như ngày hôm nay, cô bạn đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn đặc biệt là cú sốc trượt Đại học năm đầu tiên.

Năm 2010, Thu từng đăng kí thi vào Đại học Vinh nhưng kết quả không được như mong muốn. Cô bạn quyết định ở lại Hà Nội chấp nhận làm công nhân đến nửa năm để tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống bản thân và ôn thi.

“Mình hụt hẫng và ghen tị với bạn bè trong một khoảng thời gian ngắn, nhất là khi bạn bè tổ chức liên hoan mừng đại học. Bạn phải trải qua cảm giác đó bạn mới hiểu: nếu bạn yêu thích việc học, nếu gia đình và bản thân bạn đều kì vọng vào điều đó thì việc thi trượt giống như cả thế giới đều quay lưng lại với bạn vậy. Mình đã vượt qua những ngày tháng u ám đó bằng những suy nghĩ tích cực. Trượt đại học không có nghĩa là mất tất cả, chỉ là thành công bị trì hoãn thôi mà. Mình nhận ra trượt đại học giúp mình có hẳn một năm đểkhám phá bản thânvà tìm kiếm những điều mới mẻ. Đó cũng là khoảng thời gian để mình lựa chọn: có nên học Đại học hay không. Mình quyết định thi lại, chỉ đơn giản là mình thấy cần tri thức, không được để bản thân mình lạc hậu, mình yêu thích việc học mà thôi”, nhìn lại chặng đường đã qua, Thu mỉm cười tự hào

Thành công không bằng con đường Đại học

Trượt Đại học- chỉ là thành công bị trì hoãn thôi mà - 2

Giang Thiên Phú: “Thua keo này ta bày keo khác, chẳng lẽ có mỗi vài ba tờ giấy thi đã đủ để ấn định cuộc đời bạn sao?”.

Giang Thiên Phú là cái tên không còn xa lạ trong giớicông nghệthông tin ở Việt Nam. Anh từng từ chối cơ hội vào Đại học để đi học nghề tại Trung tâm Aprotrain Aptech. Anh trở thành giám đốc công ty tin học năm 19 tuổi, cũng là trường hợp hy hữu khi vượt qua nhiều vòng thi tuyển để trở thành giảng viên của Aprotrain Aptech khi chưa có bằng đại học. Mọi người gọi anh là Bill Gates của Việt Nam.

Tuy nhiên không giống hoàn toàn với những thông tin trước đó rằng anh “bỏ học ĐH để làm giám đốc”, Giang Thiên Phú chia sẻ thêm rằng anh cũng từng đăng ký dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và không may mắn khi anh đã trượt nguyện vọng 1.

“Mọi người khuyên tôi xét tuyển nguyện vọng hai vào một trường Đại học tiếp. Tôi cũng đã phân vân định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhưng lại dừng. Tôi quyết định học nghề. Tôi nghĩ chuyện trượt đại học có thể coi là một "thất bại lớn đầu đời" đối với rất nhiều bạn, và cái chuyện đối mặt với thất bại vốn là chuyện "xưa như trái đất". Cuộc đời có thành có bại là tự nhiên, có người thất bại có thể vượt qua để thành công sau này, nhưng cũng có người mãi mãi không thể đứng dậy được. Khi bạn còn non nớt, chưa va vấp nhiều, quen sống trong bao bọc nên mới chỉ thất bại tí ti đã tưởng như cuộc sống sụp đổ khiến các bạn có những phản ứng "cực đoan" những thất bại đó. Là một người đã từng “trải qua thất bại đầu đời” như nhiều bạn, là một người anh đã trải qua không ít va vấp, tôi chỉ muốn nói rằng: với các bạn đậu đại học, đó mới chỉ là thành công bước đầu, mọi khó khăn của cuộc đời mới bắt đầu mở ra thôi. Còn với các bạn trượt đại học: thua keo này ta bày keo khác, chẳng lẽ có mỗi vài ba tờ giấy thi đã đủ để ấn định cuộc đời bạn sao? Rồi sau này, một lúc nào đó, một năm hai năm, thậm chí mười năm sau nhìn lại bạn sẽ thấy thất bại đó chỉ như hạt cát nhỏ so với những gì bạn đã và sắp trải qua”.

Biết người biết ta nên… không thi Đại học

Trượt Đại học- chỉ là thành công bị trì hoãn thôi mà - 3

Trung Samosa: “Hãy làm những việc bình thường bằng lòng đam mê phi thường”.

“Trung Samosa” là biệt danh của Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1991, cựu sinh viên trường Trung cấp Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội, đó không chỉ là cái tên mà còn là một thương hiệu bánh được ưa chuộng của giới trẻ Hà thành. Nhưng ít ai biết rằng chàng hoàng tử có vẻ ngoài thư sinh với thu nhập lên tới hơn 100 triệu đồng/tháng lại bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ ba con số không tròn trĩnh: không tiền, không mối quan hệ và không bằng Đại học.

Chia sẻ lý do không thi đại học như bạn bè cùng trang lứa, Trung Samosa bộc bạch: “Mình biết khả năng học của mình đến đâu. Chưa kể, nếu có thi đỗ thì nhà mình cũng không đủ điều kiện cho mình theo học. Vậy nên, mình quyết định học nghề. Mình đã theo học 2 năm tại trường Trung cấp nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội”.

“Mình nghĩ học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Thành công luôn đợi bạn phía trước nếu bạn là một người biết cố gắng, có đam mê và hết mình vì công việc bạn đang làm, tập trung vào công việc đó. Chỉ có niềm đam mê thực sự mới giúp bạn toàn tâm, toàn ý, đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc, ham muốn học hỏi…Hãy làm những việc bình thường bằng lòng đam mê phi thường, làm hết tâm huyết vì sự đam mê thì mình tin rằng thành công sẽ đến với bạn”, Trung Samosa chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trà (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN