Trường THPT Chu Văn An: Ngôi trường đẹp nhất Hà Nội bước vào tuổi 110

Sự kiện: Giáo dục

Trường THPT Chu Văn An, ngôi trường cổ kính và đẹp nhất Hà Nội nằm bên bờ hồ Tây, sẽ tổ chức "Tuần văn hoá Trường Bưởi - Chu Văn An - Ngôi trường xuyên thế kỷ" nhân kỷ niệm 110 năm tuổi.

Trường THPT Chu Văn An: Ngôi trường đẹp nhất Hà Nội bước vào tuổi 110 - 1

Trường THPT Chu Văn An

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí vừa được tổ chức, cô giáo Lê Mai Anh, Hiệu trưởng THPT Chu Văn An (TP Hà Nội), cho biết nhiều hoạt động đặc biệt sẽ được tổ chức trong tuần kỷ niệm 110 năm ngày thành lập trường từ nay đến hết 4-11. Trong đó có thể kể đến lễ gặp mặt, tri ân các thế hệ nhà giáo Chu Văn An; giao lưu thể thao các thế hệ học sinh; hội chợ, hội trại; chung kết cuộc thi vẻ đẹp học sinh Chu Văn An (Sparling); triển lãm nghệ thuật "Chu Văn An trong tôi"; triển lãm Stem, Mos và giao lưu các ban, nhóm nhạc và tôn vinh vẻ đẹp học sinh Chu Văn An qua các thế hệ…

Đặc biệt, Lễ mít-tinh kỷ niệm 110 năm trường Bưởi - Chu Văn An " Ngôi trường xuyên thế kỷ" được tổ chức ngày 3-11 dự kiến sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Lễ kỷ niệm được dàn dựng trên ý tưởng sân khấu hoá tái hiện màn sử thi nghệ thuật "Chu Văn An - vạn thế sư biểu - người thầy của muôn đời" nhấn mạnh đến đạo học và niềm tự hào của ngôi trường xuyên thế kỷ được mang tên thầy giáo Chu Văn An. Cũng tại buổi lễ, nhà trường còn vinh dự được đón nhận Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước.

Trường THPT Chu Văn An: Ngôi trường đẹp nhất Hà Nội bước vào tuổi 110 - 2

Thiết kế cổ kính từ thời Pháp của Trường THPT Chu Văn An

Tháng 12-1908, toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra quyết định thành lập Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ theo mô hình giáo dục Pháp với mục đích đào tạo công chức trung - cao cấp người Việt cho bộ máy cai trị). Trường được xây dựng trên đất làng Thuỵ Khuê, ven Hồ Tây nên người dân vẫn gọi là trường Bưởi. Trường Bưởi là cái tên mà các học sinh có tinh thần phản kháng lại người Pháp dùng khi đề cập đến trường nhằm không gọi cái tên chính thức người Pháp đặt.

Tháng 6-1945, Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại đã ra quyết định đổi tên trường thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An, GS Nguyễn Gia Trường làm hiệu trưởng đầu tiên của trường. Tên Trường Chu Văn An được giữ từ ngày đó đến nay và đây là một trong những trường phổ thông lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam.

Với truyền thống lâu đời của mình, Trường Bưởi - Chu Văn An đã là nơi học tập và giảng dạy của rất nhiều danh nhân trên mọi lĩnh vực của Việt Nam. Rất nhiều "cây đại thụ" đã từng giảng dạy ở ngôi trường này như nhà giáo Nguyễn Lân, hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục Dương Quảng Hàm, học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, nhà vật lý Nguỵ Như Kon Tum, luật sư Nguyễn Mạnh Tường…

Trường THPT Chu Văn An: Ngôi trường đẹp nhất Hà Nội bước vào tuổi 110 - 3

Rất nhiều danh nhân, văn nghệ sĩ đã từng học tập và giảng dạy tại Trường THPT Chu Văn An

Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng từng là học sinh của trường Chu Văn An như nhà khí tượng học Nguyễn Xiển (ông là học sinh, sau này là giáo viên của trường).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, ông Nguyễn Cao Kỳ, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, liệt sĩ - phi công Vũ Xuân Thiều, Bộ trưởng Tạ quang Bửu, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà triết học Trần Đức Thảo, nhà sử học Lê Văn Lan, nhà toán học Lê Văn Thiêm, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện... đều là cựu học sinh của trường.

Rất nhiều văn nghệ sĩ cũng từng học tại ngôi trường danh giá này như nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Nguyễn Công Hoan, dịch giả Nguyễn Hiến Lê, hoạ sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nghệ sĩ nhân dân Trần Tiến, hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, nhạc sĩ Thanh Tùng…

Khai giảng ở ngôi trường có 1.145 “Rồng vàng”, đông nhất Thủ đô

Năm học 2018-2019, với 1.145 học sinh lớp 1, trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) là trường tiểu học có số lượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN