Trường quá tải, có lớp bán trú ‘vệ tinh’
Toàn quận Tân Phú hiện có hơn 500 học sinh đang theo học các lớp bán trú này.
Đó là thực tế tại quận Tân Phú hiện nay được đề cập tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội của HĐND TP.HCM sáng 8-3 về tình hình tổ chức học hai buổi/ngày cho học sinh (HS) tiểu học và THCS.
Cơ sở ngoài giờ thành lớp bán trú
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, toàn quận có 86 trường công và ngoài công lập từ mầm non đến THCS, 117 nhóm lớp với 75.495 HS. Năm học này, quận đưa thêm năm trường vào sử dụng nhưng vẫn đáp ứng được rất ít nhu cầu học hai buổi/ngày cho con em. Trong đó chỉ có bậc mầm non được bán trú 100%, còn ở tiểu học chỉ có 23% HS được học bán trú, hai buổi và ở THCS tỉ lệ học hai buổi cũng chỉ 10,3%.
Đáng nói, sĩ số trung bình các cấp học trong quận tương đối cao, như THCS ở lớp một buổi là 45,4 HS/lớp, tiểu học trung bình 45 HS/lớp, trong đó có nhiều trường sĩ số lên đến 50-55 HS/lớp như Tiểu học Lê Lai, Tiểu học Tô Vĩnh Diện, Tiểu học Lê Văn Tám... Nhiều trường sử dụng cả các phòng chức năng để làm chỗ học cho HS nhưng vẫn không khả quan hơn. Như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu trước đây cũng có bếp ăn bán trú nhưng vì áp lực tăng HS nên trường buộc phải bỏ bếp ăn này và chuyển sang suất ăn công nghiệp.
Theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận, với số lượng HS như hiện nay quận phải cần 1.200 phòng học nữa mới đáp ứng được bán trú cho tất cả HS.
Trước thực tế đó, một số cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ trên địa bàn quận đã mở các lớp bán trú “vệ tinh” để đáp ứng nhu cầu cho phụ huynh. Hiện quận có khoảng 500 HS học hai buổi nhưng bán trú tại các cơ sở này, có xe đưa đón, được ăn uống và học tập như trường công.
Giờ ăn của một lớp bán trú vệ tinh tại Trường Tiểu học-THCS Hồng Ngọc. Ảnh: P.Anh
Cần có cơ chế giám sát
Sau hơn hai năm mở lớp, ban đầu chỉ vài chục trẻ, lớp bán trú “vệ tinh” của Trường Tiểu học-THCS Hồng Ngọc (phường Tân Thới Hóa, quận Tân Phú) nay đã lên đến 163 HS với bảy lớp.
Thực ra mô hình này đã hình thành từ lâu và dần phổ biến trên địa bàn một số quận, huyện áp lực về trường lớp như Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân… dành cho những HS chỉ được học một buổi/ngày. Một số trường tư thục, cơ sở ngoài giờ có điều kiện đã mở lớp này để đáp ứng nhu cầu cho phụ huynh khi trường lớp không đủ để học hai buổi/ngày.
Bà Trần Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay lớp “vệ tinh” hiện có khoảng ba lớp bán trú buổi sáng và bốn lớp buổi chiều, chủ yếu là HS tiểu học đến từ nhiều trường như Phan Chu Trinh, Huỳnh Văn Chính, Hồ Văn Cường, Tô Vĩnh Diện…
Theo bà Nga, vì nhu cầu phụ huynh rất nhiều nên trường có tổ chức xe đưa đón tận nơi các em học. Những em nào học buổi sáng, xe của trường sẽ đón lúc 11 giờ, những em học buổi chiều thì đầu giờ chiều xe sẽ đưa các em đi học lại. Trường có tổ chức ăn bán trú, thiết kế các giờ học kỹ năng và điều kiện phòng ốc như trường công lập. Các em được học ba tiết/buổi với các nội dung như kỹ năng sống, trò chơi, tiếng Anh, rèn chữ…
Về học phí, bà Nga cho biết HS từ lớp 1 đến lớp 3 đóng 1,57 triệu đồng/tháng/HS, lớp 4 và 5 đóng 1,67 triệu đồng/tháng (tính cả tiền xe đưa rước).
“Cái khó hiện nay là mô hình này tự phát do nhu cầu phụ huynh và số lượng ngày một tăng, các cơ sở tự mở và tự làm chứ không dựa theo văn bản nào cả. Trường kiến nghị sở, ngành nên có hướng dẫn cụ thể, đưa ra những giải pháp kịp thời cho những mô hình “vệ tinh” này để cơ sở yên tâm thực hiện” - bà Nga kiến nghị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch quận Tân Phú, cho hay hầu như năm nào quận cũng vừa xây trường vừa chạy theo tốc độ tăng HS nên rất căng thẳng. Để giải quyết trước mắt, hiện quận đã có thêm 25 công trình trường học đang và sẽ xây dựng với 628 phòng học để đáp ứng chỗ học cho con em.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, ghi nhận nỗ lực của quận Tân Phú trong việc đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp trong điều kiện áp lực tăng dân số cơ học. Bà Nhung cũng đánh giá cao cách làm mô hình bán trú “vệ tinh” của một số cơ sở trong quận, thể hiện vai trò xã hội hóa trong việc giảm áp lực cho trường công lập. Tuy nhiên, quận nên thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở này để nắm tình hình, hướng dẫn chuyên môn để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng giảng dạy cho HS.
Bà Nhung cũng yêu cầu Sở GD&ĐT TP nghiên cứu, khảo sát và có ý kiến đánh giá mô hình “vệ tinh” này để đưa ra giải pháp thực hiện cụ thể sao cho hiệu quả nhất.
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết nếu mỗi năm quận chỉ tăng đều thêm 7.200 HS vào lớp 1 như hiện nay thì đến năm 2020, quận cố gắng lắm cũng chỉ giải quyết được 35% HS hai buổi/ngày chứ không thể đạt mức 80%-100% HS học hai buổi/ngày như chỉ tiêu TP đề ra. Thế nhưng thực tế để đạt được 35% đó cũng rất khó vì tốc độ tăng dân số ngày càng cao hơn dự tính. |