Trường ngoài công lập và nỗi lo đóng cửa

Chiếm tới 50% tổng số trường THPT của Hà Nội nhưng các trường ngoài công lập chỉ tuyển được hơn 16,4% học sinh. Đã có 8/102 trường THPT ngoài công lập dừng hoạt động và đang được Sở GD-ĐT trình TP để giải thể.

Sau 20 năm hoạt động, nỗi lo bị đóng cửa vẫn thường trực tồn tại ở nhiều trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội do không tuyển được học sinh. Đến mức chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2013, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phải trực tiếp làm việc với hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập để tìm cách giải bài toán khó khăn này.

Đứng trước nguy cơ đóng cửa

Toàn TP Hà Nội hiện có 102 trường ngoài công lập (8 trường tạm dừng hoạt động và 2 trường chưa hoạt động), tuyển được trên 10.000 học sinh, tức là mỗi trường chỉ tuyển được gần 120 em. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết các trường công lập của TP mới chỉ có thể đáp ứng chỗ học cho khoảng 70% học sinh THPT. Trong bối cảnh đa phần nguyện vọng của học sinh thủ đô là được tiếp tục học phổ thông thay vì học nghề thì trách nhiệm của các trường ngoài công lập là rất lớn.

Nguồn tuyển trên lý thuyết là khá dồi dào vì có gần 30% học sinh không vào được các trường công lập. Tuy nhiên, trên thực tế, sự khan hiếm đầu vào đang khiến các trường lo ngại trước khả năng khó tồn tại khi số tiền đầu tư ở mỗi trường lên tới vài chục tỉ đồng. Lý giải cho tình trạng này, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng cơ sở vật chất của các trường quá thiếu thốn.

Trường ngoài công lập và nỗi lo đóng cửa - 1

Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) - một trong các trường ngoài công lập có chất lượng. Ảnh: TẤN THẠNH

Hiện mới khoảng 20% trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội có cơ ngơi ổn định và xây dựng kiên cố, số còn lại phải đi thuê, mượn địa điểm. 40% trường chỉ có dưới 2 phòng học bộ môn, trong đó chủ yếu chỉ là phòng chứa đồ dùng học tập, 30% trường thiếu sân chơi, bãi tập cho học sinh, 14% phòng học là bán kiên cố, học tạm.

Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội Hoàng Cơ Chính cũng cho biết qua kiểm tra chuyên môn có thể thấy nhiều trường hệ thống sổ sách theo dõi chuyên môn, không đầy đủ, không có kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra hoạt động giáo dục của trường. “Hiệu trưởng không dự giờ của giáo viên thì làm sao nắm được chất lượng dạy học của trường mình?” - ông Chính nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão, cho biết trường đã xây dựng khang trang trên diện tích hơn 8.000 m2 với 32 phòng học, đầy đủ phòng chức năng. Trung bình mỗi năm, trường tuyển khoảng 350 học sinh, năm học 2012-2013 chỉ tiêu tăng thêm được 70 em nhưng tập trung không đủ. Ngoài cơ sở vật chất, trường cũng bảo đảm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 90%. “Ở đây rõ ràng không phải do chất lượng đào tạo mà là do học sinh đã vào học hết các trường công lập. Không có học sinh thì kinh phí đầu tư hàng chục tỉ đồng trở nên quá lãng phí” - ông Tiếu nói.

Theo lãnh đạo một số trường, do không tuyển đủ học sinh nên dẫn đến tình trạng không đủ kinh phí hoạt động, trả lương giáo viên, khó thu hút được giáo viên dạy giỏi.

Giảm chỉ tiêu các trường công lập

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đang rà soát điều kiện tuyển sinh năm 2013 đối với các trường THPT ngoài công lập. Ông Nguyễn Hữu Độ cho hay trong giai đoạn hiện nay, các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học để xứng đáng với chi phí phụ huynh học sinh bỏ ra, đồng thời giải quyết tình trạng kém sức hút, khan đầu vào. Cũng theo ông Độ, quan điểm của ngành là chỉ những trường ngoài công lập có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Quan điểm này được khá nhiều hiệu trưởng tham dự hội nghị hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ủng hộ. Phần đông đều cho rằng sở cần đưa ra lộ trình thực hiện, trường nào không bảo đảm điều kiện hoạt động sau thời gian quy định sẽ phải giải thể, tránh tình trạng dàn trải, hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng uy tín hệ thống ngoài công lập nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp giảm dần sĩ số học sinh/lớp và số lớp/trường ở tất cả các cấp học của khối trường công lập từ năm học 2012-2013. “Việc giảm quy mô học sinh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững mà còn là cơ hội để các trường ngoài công lập có cơ hội thu hút học sinh và khẳng định uy tín của mình” - lãnh đạo sở cho biết.

TPHCM: Buộc ngưng hoạt động nếu không đáp ứng yêu cầu

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn TP có 85 trường ngoài công lập trong tổng số 182 trường THPT toàn thành. Chỉ trong 3 năm (2009 - 2011), TPHCM có thêm 36 trường THPT ngoài công lập được thành lập.

Trong hoạt động, nhiều trường dùng “chiêu trò” để câu học sinh mà không lo tập trung đầu tư cơ sở vật chất. Đợt kiểm tra ngẫu nhiên 30 trong tổng số 85 trường ngoài công lập của Sở GD-ĐT TPHCM vừa qua cho thấy nhiều trường đã không đầu tư nhiều về cơ sở vật chất dạy học. Ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết khi đăng ký thành lập, các trường cam kết sẽ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa thực hiện. Đa số các trường phải thuê mướn cơ sở, sân bãi. Có trường có đến 11 cơ sở nhỏ, nằm rải rác ở nhiều địa bàn khác nhau. Số trường có cơ sở vật chất tốt chưa đến 10, nhiều trường là nhà ở chuyển công năng nên không đáp ứng được quy chuẩn trường học. Có 18 trường diện tích quá nhỏ.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, yêu cầu các trường tư phải rà soát lại, hoàn chỉnh cơ sở vật chất và trang thiết bị như đã cam kết. “Sở GD-ĐT có thể sẽ buộc trường ngưng hoạt động nếu không đáp ứng được yêu cầu cơ sở vật chất, nội dung và thời lượng của chương trình giảng dạy” - ông Chương khẳng định.

H.Lân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN