Trường ngoài công lập ngóng thí sinh

Trong khi các trường ĐH công lập đã “bội thực” hồ sơ xét tuyển, thậm chí có ngành tỉ lệ chọi lên tới 1/20 thì các trường ngoài công lập vẫn nóng ruột chờ thí sinh.

Để nâng cao chất lượng đầu vào, Học viện Ngân hàng thông báo tuyển 30 chỉ tiêu nguyện vọng (NV) bổ sung khối D1 nhưng đến thời điểm này, số hồ sơ xét tuyển mà nhà trường nhận được lên tới gần 600, tức tỉ lệ chọi lên tới 1/20.

Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Tương tự, Trường ĐH Thủy lợi cũng có số thí sinh (TS) nộp hồ sơ rất cao. Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường chỉ tuyển khoảng 300 chỉ tiêu NV bổ sung cho cả 2 cơ sở Bắc - Nam nhưng đến thời điểm này trường đã nhận hơn 2.000 hồ sơ xét tuyển.

Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho hay đến thời điểm này, trường đã nhận gần 2.500 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu NV bổ sung của trường chỉ có 760. Dự kiến đến ngày 10-9, thời điểm các trường công bố điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số hồ sơ sẽ còn cao hơn nữa. Trước lượng hồ sơ quá nhiều, ông Thành cho biết sẽ xem xét, xin ý kiến Bộ GD-ĐT để thông tin cho TS ngưỡng điểm nào thì nên nộp hồ sơ vào trường, tránh tình trạng mất cơ hội nộp hồ sơ vào trường khác của TS.

Trong khi các trường công lập trong tình trạng ngập hồ sơ xét tuyển thì trường ngoài công lập lại rơi vào hoàn cảnh ngóng cổ chờ TS, dù số TS dôi dư trên điểm sàn năm nay lên tới hơn 238.000.

Trường ngoài công lập ngóng thí sinh - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Công nghiệp (TP HCM). Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Dân lập Đông Đô (Hà Nội), cho biết dù mức điểm xét tuyển chỉ bằng sàn của Bộ GD-ĐT nhưng đến giờ mới chỉ có hơn 200 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường tới 1.300. Ông Tĩnh kỳ vọng kết thúc đợt xét tuyển này, trường sẽ nhận được khoảng 600 TS, số còn lại trường tiếp tục xét tuyển thêm. Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh - ông Nguyễn Văn Hùng - cũng thông tin: Dù đã thực hiện 8 buổi tư vấn tuyển sinh trên đài phát thanh và 4 buổi trên đài truyền hình nhưng lượng hồ sơ xét tuyển vẫn rất hạn chế. “Hy vọng tình hình tuyển sinh của trường sẽ khá hơn các năm trước nhưng để tuyển đủ chỉ tiêu là điều rất khó khăn”. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, ông Phan Trọng Phức, nhà trường đã tìm nhiều cách để thu hút TS. Ông Phức kỳ vọng năm nay sẽ tuyển sinh tốt hơn năm 2012, vốn chỉ có khoảng 50% chỉ tiêu được tuyển.

Được tuyển là có học bổng

Để kéo TS đến với mình, các trường đã sử dụng nhiều chiêu khác nhau như ưu đãi học phí, tặng học bổng. Trường ĐH Lương Thế Vinh thông báo xét giảm học phí năm thứ nhất nếu TS có điểm thi cao hơn điểm sàn từ 2 điểm trở lên, xét cấp học bổng hằng năm cho sinh viên đạt kết quả học tập từ khá trở lên và rèn luyện tốt. Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) cũng có những chính sách ưu đãi con em gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ thuộc diện 135… Ngoài ra, TS được thực tập tốt nghiệp, được thi tuyển về làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp POMIHOA.

Trường ĐH Tân Tạo thông báo dành tới 250 học bổng cho các xét tuyển NV bổ sung với điểm xét tuyển các ngành từ 17 trở lên, riêng ngành bác sĩ đa khoa là 21. Tất cả TS trúng tuyển vào trường đều được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với đội ngũ giảng viên là các giáo sư trong và ngoài nước theo chương trình của ĐH Duke (Mỹ). Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cũng thông báo thưởng học bổng hằng năm cho sinh viên giỏi. Các sinh viên nghèo được giảm học phí từ 10%-50%, đặc biệt TS thuộc đối tượng huyện nghèo (hệ dự bị ĐH) được nhà trường hỗ trợ học phí 100.000 đồng/tháng.

Không có lớp “nợ điểm sàn”

Liên quan tới việc một số trường ĐH gọi nhập học cả những TS có điểm dưới sàn, ngày 28-8, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, khẳng định đây là việc làm trái quy định và không được Bộ GD-ĐT cho phép. Ông Tuấn nói thêm hiện có thông tin một số trường gọi cả những TS có điểm dưới sàn vào lớp “nợ đầu vào”, việc này là sai và TS phải cân nhắc vì vào học là sẽ gặp nhiều thiệt thòi và nếu bị Bộ GD-ĐT phát hiện, TS sẽ bị ngừng học.

“Thường thì đến mùa tuyển sinh, một số trung tâm, công ty nhận hồ sơ của TS và hứa với người nhà họ là sẽ lo cho các TS này vào học trường A, B… Bộ GD-ĐT khẳng định tất cả các công ty này đều không có quyền tuyển sinh” - ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN