Trường ngoài công lập “khốn khổ” vì thí sinh ảo

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều trường đại học top giữa, top cuối và đặc biệt là trường ngoài công lập còn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu phải tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Kết thúc ngày cuối cùng của đợt tiếp nhận xác nhận nhập học đợt 1, ngoại trừ một số trường đại học (ĐH) top đầu đã có khoảng trên 90% thí sinh đăng ký nhập học, đạt mục tiêu đề ra thì vẫn còn rất nhiều trường ĐH top giữa, top cuối và đặc biệt là trường ngoài công lập còn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu phải tiếp tục xét tuyển bổ sung. Điều này cho thấy, bức tranh tuyển sinh ĐH năm 2017 vẫn phân hóa theo hướng “trường ăn không hết, trường lần chẳng ra”.

Tính đến hết ngày 7-8, ngày cuối cùng thí sinh trúng tuyển phải xác nhận việc nhập học, đã có 65 trên tổng số 322 trường ĐH và cao đẳng sư phạm có khoảng hơn 80% đến làm thủ tục đăng ký. Trong số này, nhóm các trường khối Công an, Quân đội, khối trường Y dược, Bách Khoa, Kinh tế, Ngoại thương, Thương mại, Luật... có số lượng thí sinh đến đăng ký chiếm tỷ lệ cao, đạt trên 90%. Với tỷ lệ này, nhiều khả năng các trường sẽ hoàn thành việc tuyển sinh ngay trong đợt 1, không phải tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Trái ngược với các trường top đầu, phần lớn các trường ĐH top giữa và top dưới, trường ngoài công lập đều không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1, phải tiến hành xét tuyển bổ sung từ vài trăm đến hàng nghìn chỉ tiêu.

Trường ngoài công lập “khốn khổ” vì thí sinh ảo - 1

Nhiều trường ngoài công lập đang “đau đầu” vì lượng thí sinh trúng tuyển nhập học trên thực tế rất thấp.

Cụ thể, trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung thêm gần 1.000 chỉ tiêu cho cả 2 cơ sở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng tuyển bổ sung thêm gần 1.000 chỉ tiêu cho cả 2 cơ sở; ĐH Tài nguyên-Môi trường, ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng tuyển thêm hàng trăm chỉ tiêu... 

Ở khối các trường ĐH ngoài công lập, rất nhiều trường mới chỉ tuyển được khoảng 30-40% so với chỉ tiêu trong đợt 1, tất cả đang phải trông chờ vào đợt xét tuyển bổ sung.

GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và công nghệ  Hà Nội cho biết: Năm nay, Bộ GD&ĐT dùng  hệ thống xét tuyển chung trên cả nước, với cách thức xét tuyển này sẽ giảm số thí sinh ảo, nên Bộ yêu cầu các trường không được gọi vượt nhiều so với chỉ tiêu. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc lọc ảo hiện mới chỉ loại trừ được lượng thí sinh ảo giữa các trường, còn thí sinh ảo ngay chính trong từng trường thì chưa giải quyết được. 

Chẳng hạn như ngay tại trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, trong số hơn 5.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, có khoảng hơn 2.500 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Trong số này, có rất nhiều thí sinh đăng ký tới 2 đến 3 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường. Điều này cho thấy, số lượng thí sinh ảo ngay chính trong một trường cũng đã rất lớn. 

Cũng theo ông Hóa, hiện tại, đã có rất nhiều thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường để xác nhận việc nhập học. Tuy nhiên, điều này cũng chưa có gì đảm bảo là các thí sinh đó sẽ vào học tại trường vì hầu hết giấy chứng nhận kết quả thi mà các em gửi qua đường bưu điện là bản phô tô và có thể gửi cùng một lúc cho nhiều trường khác nhau. Do vậy, rất nhiều trường Đh ngoài công lập đang rất “đau đầu” vì thí sinh ảo, không biết thừa thiếu thế nào. 

“Những năm trước, số thí sinh tuyển được ở nguyện vọng 1 thường chỉ khoảng 30-40%, để giảm ảo, các trường đều phải gọi dôi dư so với chỉ tiêu. Đồng thời, tiếp tục xét tuyển thêm 2 đến 3 đợt bổ sung. Tuy nhiên, với cách thức xét tuyển như năm nay, ở các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo, không biết liệu còn đủ nguồn tuyển cho các trường” - ông Hóa đặt vấn đề.

Đại diện trường dân lập Hải Phòng cũng cho biết: Thông thường thì đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, các trường hoàn toàn có thể yên tâm; còn từ nguyện vọng 2 trở đi, thực chất là các em đăng ký để đối phó nên tỷ lệ ảo sẽ rất lớn. 

Ở các trường lớn, trường tốp trên, hầu hết thí sinh đều đăng ký nguyện vọng 1; còn ở các trường ngoài công lập, các em thường đăng ký nguyện vọng 2,3, thậm chí là 4,5 nên số thí sinh ảo vẫn rất lớn. 

Bộ GD&ĐT cho rằng thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học, nhưng thực tế cho thấy không phải vậy. Nhiều thí sinh dù trúng tuyển vào trường ngoài công lập, nhưng sau khi suy nghĩ lại đã không nhập học vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề học phí. Đây chính là khó khăn lớn của các trường ngoài công lập mà Bộ chưa tính tới khi tiến hành lọc ảo chung.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến chiều ngày 8-8, đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000.

Thống kê cụ thể theo nhóm trường như sau: Có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%. 

Đến nay vẫn còn một số thí sinh khẳng định nhập học bằng cách gửi giấy báo kết quả thi qua đường bưu điện, một số trường chưa cập nhật hết số thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống nên con số thống kê sẽ còn tăng nhẹ trong vài ngày tới. 

Theo kế hoạch đến hết ngày 12-8 quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học kết thúc. Dự báo đợt 1 các trường sẽ tuyển được khoảng 80% tổng chỉ tiêu. Đây cũng là tỉ lệ đạt được ở mức cao so với những năm trước đây. 

Nóng bỏng đợt 1 tuyển sinh ĐH: Có còn nguồn bổ sung?

Hôm qua (7/8), kết thúc đợt nhận giấy báo điểm thi đợt 1 tại các trường ĐH. Ghi nhận cho thấy hầu hết các trường top...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh (Công An Nhân Dân)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN