Trường nghề buồn hiu mùa tuyển sinh
Vào mùa tuyển sinh hằng năm, trong khi các trường ĐH hân hoan với một mùa tuyển sinh mới thì cũng là lúc các trường nghề buồn hiu bởi nhiều quy định bất lợi khiến các trường thiệt đơn, thiệt kép.
Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được xem là tín hiệu vui cho các trường nghề vì sẽ có một lượng lớn thí sinh không vào TCCN trong các trường ĐH sẽ tính đến phương án học nghề.
Thế nhưng tháng 6/2011, khi Bộ GD-ĐT sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57, nêu rõ các trường ĐH không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay năm 2012 mà xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh hệ này (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh hệ đào tạo này trước năm 2017 khiến các trường nghề lại rơi vào hụt hẫng.
Bộ GD-ĐT sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57 khiến các trường TCCN hụt hẫng - Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo một trường nghề, trong khi chờ đến năm 2017 thì các trường ĐH cũng kịp vét hết thí sinh, bằng chứng là nhiều trường ĐH không những không giảm mà còn tăng chỉ tiêu đào tạo hệ TCCN.
Trước thực trạng thừa thầy, thiếu thợ, quy định về phân luồng học sinh sau THCS và THPT cũng được xem là hy vọng cho các trường nghề thì cũng ngay sau đó, Bộ GD-ĐT ra quy định siết chặt liên thông. Lý do bộ đưa ra là để kiểm soát chất lượng đầu vào và giữ vững cấu trúc nguồn nhân lực, tránh tình trạng người học nghề rầm rộ thi liên thông lên ĐH.
Thế nhưng, lãnh đạo nhiều trường nghề lại cho rằng quy định này đã dập tắt mong muốn học lên của người học bởi tâm lý thí sinh lâu nay chỉ coi trường nghề là chỗ tạm trú, dù thế nào cũng phải có bằng ĐH. Vì thế, quy định này không giúp các trường nghề mà còn khiến họ tuyển sinh chật vật hơn vì người học thà ở nhà ôn thi cho đến khi đậu ĐH cho bằng được chứ nhất quyết không chịu học nghề.
Theo ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Công nghệ - Kỹ thuật Hùng Vương, vì hầu hết trường nghề đều tổ chức xét tuyển nên các trường trung cấp nghề lại gánh thêm phần thiệt thòi bởi ngoài một số ít đối tượng không đủ điều kiện xét học CĐ thì đều đăng ký xét tuyển vào CĐ nghề, chứ không đời nào chịu vào trung cấp.
Chính vì quy định này, theo nhiều chuyên gia, đã nảy sinh một hệ lụy khác, đó là hầu hết trường trung cấp đều cố “chạy” nâng lên thành trường CĐ dù không đủ chuẩn về cơ sở vật chất. Để cầm cự trong điều kiện tuyển sinh quá khó khăn, ngoài một số ít trường có điều kiện chuyển hướng đào tạo theo chuẩn quốc tế, không ít trường phải cho thuê trang thiết bị, tuyển sinh sơ cấp ngắn hạn khiến các trường nghề xa rời mục tiêu đào tạo chính thống.
Chỉ khi nào Bộ GD-ĐT trả việc đào tạo nghề cho các trường nghề, khi đó các trường mới có thể trụ được.