Trường mầm non nhận trẻ 3 tháng tuổi: Giáo viên cần có thêm trình độ y tá
“Nếu nhận trẻ 3 tháng tuổi thì ngoài việc yêu cầu giáo viên có bằng sư phạm phải yêu cầu giáo viên có trình độ y tá nữa mới đảm bảo nuôi dạy các con thật tốt”, một giáo viên mầm non cho hay.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến dư luận xã hội về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Điều đáng chú ý là trong Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục có điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Trường mầm non nhận trẻ 3 tháng tuổi: Giáo viên cần có thêm trình độ y tá (ảnh minh họa)
Dự thảo này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Chị Ánh Vân – giáo viên tại trường Mầm non Hương Sen (Hà Nội) cho hay: “Cho đến thời điểm hiện tại trường chúng tôi mới nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Ai làm nghề nuôi dạy trẻ mầm non thì mới thấm được nghề này vất vả thế nào bởi nhiều bé còn quá nhỏ, không ý thức được hành động của mình.
Nhận trẻ 12 tháng tuổi tôi đã thấy chăm sóc các con quá nhiều khó khăn chứ nói gì đến nhận trẻ 3 tháng tuổi. 3 tháng là lúc các bé chủ yếu dùng sữa mẹ, sức đề kháng rất yếu. Nếu nhận trẻ 3 tháng tuổi thì ngoài việc yêu cầu giáo viên có bằng sư phạm phải yêu cầu giáo viên có trình độ y tá nữa mới đảm bảo nuôi dạy các con thật tốt.
Đó là chưa kể, hiện nay các cơ sở mầm non trên địa bàn Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn, thông thường 2 cô sẽ trông khoảng 10 -20 bé. Thế nhưng nếu nhận trẻ 3 tháng tuổi thì tôi nghĩ tỷ lệ giáo viên và học sinh phải thay đổi vì 1 cô chỉ có thể trông được 2 bé ở độ tuổi là 3 tháng”.
Chia sẻ về dự thảo sửa đổi luật giáo dục lần này, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Hiện nay theo đúng quy định thì khi sinh em bé, người mẹ được hưởng chế độ nghỉ thai sản là 6 tháng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn nên các mẹ xin đi làm thêm việc khác để tăng thêm thu nhập hoặc cũng có mẹ sức khỏe yếu nên nghỉ trước sinh 1-2 tháng.
Hơn nữa, hiện nay một số nhà máy, công ty thành lập các nhà trẻ nhận trông con của công nhân để tạo điều kiện cho họ đi làm. Do đó, dự thảo luật quy định nhận trẻ 3 từ tháng tuổi. Tất nhiên, việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại”.
Được biết, TP.HCM hiện đã có đề án từ năm học 2016-2017 tổ chức thực hiện thí điểm tại một số cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo điều kiện sẽ nhận nuôi dạy trẻ 6-18 tháng tuổi.
Đồng tình với dự thảo Luật giáo dục sử đổi lần này, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay: “Tôi nghĩ rằng việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định các cơ sở giáo dục trẻ mầm nhận trẻ từ 3-6 tháng là hợp lý. Bởi lẽ, theo quy định hiện hành phụ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng là một ưu đãi để trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhưng đó là với công chức, viên chức.
Còn với những người phụ nữ ở vùng nông thôn khó khăn họ sẽ không được hưởng chế độ đãi ngộ nào vì thế nên từ sớm họ phải đi làm để tăng thu nhập phục vụ cho việc nuôi con. Thế nên, việc quy định cho gửi trẻ từ 3 tháng tuổi cũng là phù hợp.
Theo tôi, tùy điều kiện từng gia đình mà có thể gửi trẻ trước 6 tuổi, miễn sao trước khi học lớp 1 thì trẻ phải được đến lớp tiếp xúc với các bạn. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, Bộ GD&ĐT phải đưa ra những yêu cầu nhất định về người chăm sóc vì độ tuổi này cần chăm sóc hơn là giáo dục, giáo viên cần có thêm trình độ về y tế để nhận thấy và tránh các nguy cơ thiếu an toàn với trẻ…”
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến dư luận xã hội về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017.