Trường lớp xuống cấp: vừa học vừa lo

Từ ngày 6-8, học sinh ở nhiều tỉnh ĐBSCL đã đến trường bắt đầu năm học mới trong điều kiện vẫn còn hàng ngàn phòng học xuống cấp, không đủ chuẩn.

Hàng chục ngàn học sinh phải học ở những phòng học tạm bợ này, trong đó chủ yếu là khối mầm non.

Cột mục, mái dột

Mặc dù đã cận kề ngày khai giảng năm học mới nhưng thầy cô Trường mầm non Mỹ Quý, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) còn tất bật sửa chữa phòng học, bàn ghế. Trường có một điểm chính và bảy điểm phụ nhưng chỉ một điểm là có phòng học kiên cố, còn lại đều là phòng học tạm, phòng học nhờ đang xuống cấp nặng. Các cô giáo ở đây kể mới đây mái tôn của điểm trường Mỹ Phước 2 bị gió cuốn phăng, may mà lúc đó chưa khai giảng.

Trường lớp xuống cấp: vừa học vừa lo - 1

Một trường mầm non ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bị xuống cấp - Ảnh: Ngọc Tài

Điểm trường này có hai phòng học cũ kỹ, mái lợp tôn, vách cũng làm bằng tôn cũ, phía trên rào lại bằng lưới B40. Hiện tôn và lưới kẽm đều đã gỉ sét. Các miếng tôn cong vênh, tạo thành những “cái bẫy” có thể gây thương tích cho học sinh. Nhưng điều làm các cô giáo của trường lo nhất là các cây cột đều đã mục. Chứng kiến cảnh này, ông Lê Văn Sinh (cán bộ phụ trách cơ sở vật chất của Phòng GD-ĐT huyện Tháp Mười) thở dài nói:"Nhà trường phải tập trung thay hết những cây cột này, thay luôn tôn và lưới B40. Nếu không thì nguy hiểm lắm. Đúng ra hai phòng này phải được thay mới hoàn toàn nhưng chưa có kinh phí nên cứ chắp vá đỡ lúc nào hay lúc đó”.

Đi một vòng các điểm trường mầm non ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, chúng tôi còn phát hiện nhiều điểm bị dột te tua. Nhà trường phải dùng tấm nilông che tạm cho học sinh khỏi bị ướt mỗi khi trời mưa.

Các trường mới xây cũng quá tải

Ông Trần Văn Trí, phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, cho biết theo quy định, diện tích dành cho học sinh ở thành thị là 6m2/học sinh, còn ở nông thôn là 10m2/học sinh. Tuy nhiên tại Tiền Giang, nhiều nơi chỉ có 2,3m2/học sinh. Trong khi trường lớp xây dựng mới không nhiều mà số trẻ, học sinh ngày càng tăng khiến các trường mới xây cũng bị quá tải.

Trường mầm non Phú Kiết, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có năm phòng học đã trên 30 năm. Hai trong số đó chưa được lát gạch nền. Nhà trường phải mua tấm nhựa trải lên nền đất để học sinh vui chơi và ngủ trưa. Cô Lê Thị Hồng Loan, hiệu trưởng, cho biết:“Mưa xuống là phòng học bị dột hết. Mưa to thì nền nhà ngập lênh láng. Thấy các bé run vì lạnh và sợ sệt nép vào người cô giáo, chúng tôi đau lòng lắm. Nhưng vì đây là phòng học tạm, trưng dụng từ các phòng của khối tiểu học bỏ lại nên phải chấp nhận”.

Điểm phụ của Trường mẫu giáo Ba Sao đặt tại ấp 1, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) không có nhà vệ sinh. Mỗi khi trẻ cần đi vệ sinh, cô giáo phải dắt các em ra ngoài vườn. Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện có tới 400 trường học không có nhà vệ sinh theo quy chuẩn (một phòng học phải có một nhà vệ sinh). Nhiều điểm trường chỉ có “nhà vệ sinh thiên nhiên”.

Theo thống kê mới nhất, đầu năm học mới này tỉnh Đồng Tháp có gần 600 phòng bán kiên cố và 600 phòng học tạm, phòng học nhờ. Còn tại tỉnh Tiền Giang có gần 700 phòng bán kiên cố và học tạm. Gần 200 phòng trong số này đã hư hỏng nặng.

Còn lâu mới hết trường, lớp tạm

Theo các cán bộ quản lý ngành giáo dục, cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn, tạm bợ kéo dài hết năm này sang năm khác đều do một nguyên nhân giống nhau: thiếu kinh phí.

Tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), hằng năm ngành giáo dục được tỉnh cấp 1,3 tỉ đồng dùng làm kinh phí sửa chữa trường lớp, nhưng do có quá nhiều phòng đã xuống cấp nên số tiền này phải chia nhỏ ra, ưu tiên cho những trường hợp cấp thiết. Ông Lê Văn Sinh cho biết: “Số tiền trên chỉ đủ sửa chữa chắp vá chứ không cách nào làm cho đàng hoàng được. Phần lớn trường lớp của bậc học mầm non phải sử dụng cơ sở vật chất bỏ đi của các bậc học khác. Trường hợp kinh phí không đủ sửa chữa thì phòng sẽ vận động các nguồn xã hội hóa để các em có nơi học an toàn vào đầu năm học mới”.

Đồng Tháp và Tiền Giang đều đã có đề án kiên cố hóa trường lớp. Thế nhưng hiện tỉnh Đồng Tháp mới chỉ xây được 314 phòng học trong tổng số 1.800 phòng học mà đề án đưa ra phải xây dựng đến năm 2015. Vì khó có thể làm được những gì đã nêu trong đề án nên tỉnh này đang định hướng lại việc xây dựng mới phòng học căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương. Đó là áp dụng các phương thức giao đất, cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất để phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Đối với tỉnh Tiền Giang, đề án nhắm tới năm 2020 phải xây dựng thêm 900 phòng học cho bậc mầm non. Thế nhưng tại một hội thảo mới đây do UBND tỉnh tổ chức, các địa phương đều cho rằng kinh phí quá eo hẹp, khó có thể làm được. Không chỉ vậy, quỹ đất công cũng rất hạn chế nên phải mua đất của dân. Nếu như vậy thì kinh phí sẽ càng lớn, mục tiêu kiên cố hóa trường lớp càng xa vời.

Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn

Bạn muốn là người biết Điểm Chuẩn ĐH-CĐ 2012 Nhanh nhất, chính xác nhất! Hãy soạn tin:

DC MÃTRƯỜNG NĂM gửi đến 8502

Ví Dụ: Để tra điểm chuẩn năm 2012 của trường ĐH Kinh tế quốc dân soạn tin:
DC KHA gửi đến số 8502, để tra điểm chuẩn năm 2011 soạn DC KHA 2011 gửi đến số 8502.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Tài- Hiền Trần (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN