Trường “làng” thì đã sao?
Trong khi không ít phụ huynh lao vào cuộc đua khốc liệt giành suất cho con vào trường “điểm” thì nhiều người lại thảnh thơi cho con đi học hát, múa, dự trại hè quân đội… vì đã yên vị chọn trường “làng”.
Trường “làng” thì đã sao?
Mặc dù nhà cách nội thành không xa và hàng ngày phải đi vào nội thành làm việc nhưng chị Nguyễn Thị Hòa (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chọn trường điểm ở nội thành cho 2 con học.
Chị Hòa đã có bài học từ 2 đứa cháu con nhà chị cả. Đứa thứ nhất học 12 năm ở trường “làng” gần nhà, cứ một buổi học ở trường một buổi ở nhà tự học, học lực lúc nào cũng khá giỏi, ra trường tự xin việc nên bây giờ cũng làm sếp của một chi nhánh Ngân hàng lớn. Ngược lại, cô em được gửi sang nhà ngoại để theo học mấy trường có tiếng bên nội thành, tuy học lực cũng khá nhưng thi 2 năm đều không đỗ đại học. Vì sĩ diện bố mẹ đành phải cho đi du học tự túc. Tuy nhiên, sau 6 năm về vẫn không thể tự xin việc, lại phải một tay bố mẹ lo cho.
Chị Hòa chia sẻ: “Học trường làng thì đã sao, nếu các cháu thấy thoải mái và vẫn tiến bộ, môi trường không quá khốc liệt sẽ giúp cho các cháu dễ thở, phát triển một cách bình thường”.
Chị Hoàng Anh (Hà Đông) cũng cho 2 con (lớp 1 và lớp 5) theo học trường "làng" với 3 tiêu chí rất đơn giản: bé được vừa học vừa chơi, bố mẹ không vất vả, “chất” học tập đạt cao nhất có thể. Chị Hoàng Anh chia sẻ: “Cái tiêu chí thứ 3 được coi là kết quả cuối cùng. Muốn đạt chất lượng tối đối với trẻ cấp 1 là phải có thời gian học - chơi thích hợp. Đối với một số trường "điểm" mà mình biết được, trên thực tế chất lượng học tập có hơn gì, chẳng qua là các trường "điểm" bắt trẻ học trước khỏi phải học sau. Trẻ chưa biết đi đã tập cho trẻ chạy”.
Cảm thấy rất thỏa mãn với sự chọn lựa của mình vì thấy con ngày một nhanh nhẹn, hoạt bát khi học ở trường "làng", chị Dương Thùy Vi (Yên Viên) cho biết: “Khi chuyển con về học trường làng tôi cũng rất lo lắng, nhưng càng ngày càng thấy con tự lập, biết xử lý được nhiều tình huống trong cuộc sống do va chạm nhiều. Đặc biệt, trường làng có sân chơi rộng rãi, con đã học được nhiều trò chơi dân gian ngày xưa mẹ thường chơi. Học hết sức, chơi hết mình nên sau mỗi buổi học về nhà con thường ăn rất nhiều, sức khỏe vì thế cũng tốt hơn”.
Nhìn cảnh phụ huynh chen lấn đạp đổ cổng trường Thực nghiệm để xin học cho con, cô Nguyễn Hải Yến - cựu giáo viên trường Tiểu học Minh Khai (Hoài Đức - Hà Nội) đã không thể giải thích được lý do: “Mấy chục năm trên bục giảng, tôi đã có không ít lứa học trò hiện nay rất thành đạt. Có rất nhiều em trở thành quan chức cấp cao, nhà giáo, kỹ sư, kiến trúc, doanh nhân thì nhiều vô kể… Đâu phải chỉ có học trường điểm mới thành người. Mấy chục năm trước khi chưa có trường chuyên, lớp chọn học sinh đều ngu dốt hết chăng?”.
“Liệu cơm gắp mắm”
Đứng trên góc độ chuyên môn, TS. Hồ Văn Hoành - Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam phân tích: “Sự thành công của mỗi con người phụ thuộc vào yếu tố chủ quan và khách quan, trong có đó 3 yếu tố quan trọng nhất là: Tố chất, môi trường, sự may mắn. Trong đó, sự may mắn chiếm phần nhỏ nhất, tố chất và môi trường chiếm tỷ lệ ngang hàng nhau. Tố chất thể hiện ở chỉ số IQ và EQ mà trẻ có, còn môi trường bao gồm: gia đình, nhà trường, bạn bè…(được coi là những yếu tố khách quan). Phân tích như vậy để thấy rằng, yếu tố tác động của nhà trường đối với một đứa trẻ chỉ là một phần nhỏ tạo nên thành công”.
“Cần phải có một cuộc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm đối với các mô hình dạy học như trường Thực nghiệm chứ không thể cứ để “thực nghiệm” mãi như vậy được. Khi có tổng kết, nếu sai sẽ sửa, nếu hay phải nhân rộng chứ không nên vì thành kiến mà kìm hãm nó phát triển, như thế nó sẽ làm xã hội lùi đi” TS Hồ Văn Hoành |
Cũng theo TS. Hoành, có thể giải thích được việc trước đây dân ta nghèo, học sinh cũng chỉ ăn khoai ăn sắn, học chữ được chữ chăng vì còn mải mò cua bắt ốc nhưng vẫn có người tài giỏi kiệt xuất, hiện nay nắm giữ nhiều cương vị quan trọng bởi vì họ có tố chất và sự tự nỗ lực của bản thân. Hiện nay, trẻ em được bao bọc, nuông chiều quá nhiều nên chỉ số thông minh có thể có (do gen di truyền) nhưng sự tự nỗ lực của bản thân đang dần dần mất đi.
“Các bậc cha mẹ cũng tự cảm thấy được rằng, con mình không đủ “sức đề kháng” để vươn lên nếu ra khỏi sự bao bọc của gia đình. Tất cả những điều đó khiến họ đem hết kỳ vọng gửi gắm vào một nơi duy nhất, đó là nhà trường. Họ coi trường học như một “liều thuốc tiên” có thể giúp con mình thành công hoặc tiến bộ. Và chọn trường tốt, trường “điểm” được coi là chìa khóa vạn năng để đi đến thành công. Đó không phải là một sai lầm nhưng là một xu hướng lệch” - ông Hoành nói.