Trường không còn dạy thêm, phụ huynh có thể làm đơn nhờ thầy cô quản lý con?
Áp dụng Thông tư 29, nhiều trường không còn tổ chức dạy thêm vào buổi thứ 2 trong ngày, trong khi không ít phụ huynh có nhu cầu gửi con nhờ quản lý. Liệu cha mẹ học sinh có thể đề nghị nhà trường hỗ trợ quản lý trẻ?
Chị Trang Quỳnh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, con chị học lớp 6, bình thường học chính khóa buổi sáng, trưa ăn ngủ tại trường, chiều học thêm và chơi với bạn bè ở lớp. Từ tuần này, các buổi chiều trong tuần con chỉ đến trường 1 buổi, còn lại ở nhà một mình.
“Ông bà nội ngoại đều ở xa, bố mẹ đi làm cả ngày. Con cứ lủi thủi trên tầng 26 chung cư. Mẹ sáng tất bật chuẩn bị đồ ăn cho con, đi làm vẫn thấp thỏm, trưa còn phải gọi xe chở con về”, chị Quỳnh nói.
Chị và các phụ huynh lớp bàn nhau làm đơn gửi lên nhà trường nhờ sắp xếp hỗ trợ quản lý các con. “Trường có sẵn lớp học, các thầy cô không dạy thêm cũng rảnh, có thể hỗ trợ chúng tôi trông nom, giao bài tập cho bọn trẻ làm…”, chị Quỳnh bày tỏ.
Khi chia sẻ ý kiến này lên một nhóm trên mạng, chị Quỳnh nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên nhưng không ít người cho rằng, liệu có phải cha mẹ đã quá quen với việc giao phó con cho nhà trường nên khi trẻ nghỉ học thêm cũng phải tìm cách nhờ cậy thầy cô? “Tôi cảm thấy chị cho con tới trường chỉ để có người trông thay vì để trẻ mở mang kiến thức, phát huy khả năng tự học…”, một người bày tỏ.
Về thắc mắc “khi nhà trường không dạy thêm nữa, cha mẹ có con từ lớp 6 có thể gửi con nhờ trường quản lý”, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) thẳng thắn: “Tại sao phụ huynh lại phải gửi con ở nhà trường? Gửi con để nhốt các cháu ở đấy à, hay để làm gì? Học sinh THCS có cần phải gửi trong trường để nhờ trông nữa không?”.
Theo ông, phụ huynh cần thay đổi quan điểm, cách nhìn, để dành thời gian cho con có thêm các hoạt động khác, không chỉ học văn hóa và làm bài tập, từ đó khám phá nhiều “cánh cửa” cho phát triển.
Về khía cạnh nhà trường, theo ông Thành, dù không có quy định cấm, nếu trường nhận hỗ trợ trông nom học sinh ngoài giờ chính khóa thì cần xem lại trách nhiệm của mình.
“Kế hoạch giáo dục của nhà trường không phải chỉ là kế hoạch dạy các môn học trong chương trình, mà phải là một kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục một cách toàn diện hơn. Trong đó khai thác, sử dụng những thứ nhà trường được nhà nước trang bị, cung cấp", ông Thành nói.
Theo ông, với việc tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, không phải chỉ đưa học sinh vào lớp để dạy. Lớp 6 là thuộc trung học, ngay cả với tiểu học, khi triển khai chương trình 2018, Bộ đã ban hành công văn 5512 năm 2020 hướng dẫn giáo viên thực hiện vai trò tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập của học sinh chứ không phải chỉ dạy.
Thầy cô soạn bài làm sao để giao việc cho học sinh làm bài, sau đó kiểm tra hỗ trợ, cho các em trao đổi với nhau để phát triển các năng lực khác, rồi mới kết luận. Nếu làm như thế, năng tự học của học sinh sẽ được rèn ngay từ trong từng bài học của chương trình, và khi hết giờ, học sinh vẫn còn nhiều thứ có thể phải tự làm tiếp.
Thậm chí có nhiều hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn, với câu hỏi mở, học sinh sẽ thực hiện bên ngoài lớp học. Lúc bấy giờ, trường vẫn còn không gian, học sinh được ở lại, và phụ huynh không phải gửi đơn hay nộp tiền. Trẻ sẽ làm tiếp với nhau các hoạt động vận dụng cô giao.
Tuy nhiên, nhà quản lý nhấn mạnh, sự vận dụng ở đây không phải là giao cho học sinh một tờ phiếu để làm bài tập mà biết ứng dụng vào từng hoạt động hằng ngày của bản thân, trong gia đình…
Theo ông, khi không còn tổ chức học thêm cho tất cả các đối tượng, không gian và thì giờ còn lại của nhà trường phải dành cho tổ chức các hoạt động giáo dục mà điều lệ đã ghi, để học sinh có thời giờ tự học.
Cùng ý kiến này, nhà tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) cho biết, tâm lý của bố mẹ vẫn xem việc đi học thêm là thầy cô thay bố mẹ quản con. Phụ huynh cần giảm kỳ vọng, tăng kỳ công với con, tìm mọi hoàn cảnh để con phát triển, hướng tới phát triển năng lực của trẻ mà không cần học thêm. Giáo viên cũng cần chặn "quán tính" muốn đi học thêm của học sinh, thay vào đó là hướng dẫn thêm cho các em tự tin, tin vào năng lực của bản thân để vượt qua khó khăn, vì dựa mãi vào người khác sẽ không thể phát triển.
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về quản lý việc dạy thêm, học thêm đã có hiệu lực, đặt ra nhiều quy định chặt chẽ đối với hoạt động này. Vậy nếu vi phạm các...
Nguồn: [Link nguồn]
-20/02/2025 09:40 AM (GMT+7)