Trường học than khó nếu không được thu tiền dạy thêm

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cả thầy và trò đều bất lợi nếu trường không được thu tiền dạy thêm, bởi với 3.500-6.000 đồng một tiết, học sinh được học với chi phí rẻ, còn trường và giáo viên có thêm nguồn thu, theo nhiều hiệu trưởng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng trước ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, trong đó quy định trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp (lớp 9, 12), tự nguyện. Kinh phí tổ chức dạy thêm lấy từ ngân sách.

Đại diện Bộ cho hay việc này nhằm hạn chế tình trạng học sinh dù không muốn vẫn phải học thêm, hướng tới "trường không có học thêm, dạy thêm".

Thực tế, các trường THCS và THPT dạy thêm từ lâu do học sinh chỉ học một buổi mỗi ngày. Ngoài ra, các nhà giáo, nhà quản lý nhận định đây là nhu cầu có thực. HĐND ở nhiều tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết về mức thu với hoạt động này, phổ biến khoảng 3.500-6.000 đồng một tiết.

Theo các nhà giáo, việc này mang lại một số lợi ích như: đáp ứng nhu cầu học thêm với chi phí rẻ, an toàn cho học sinh; nâng chất lượng giáo dục; tăng nguồn thu cho trường để trang trải chi phí cho nhiều hoạt động ngoài ngân sách; tăng thu nhập cho giáo viên.

Do đó, quy định không thu tiền dạy thêm khiến cả nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh gặp bất lợi, theo các hiệu trưởng.

Thầy Đăng, Phó hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội, cho biết năm ngoái, trường có khoảng 900 trên 1.200 học sinh học thêm ở trường. Trừ đi nhóm gia đình chính sách, hộ nghèo, trường thu học phí của hơn 700 em. Học phí mỗi buổi ba tiết là 18.000 đồng, 70% được trả cho giáo viên.

Trong 30% còn lại, trường dùng một nửa để chi trả điện nước, hao mòn cơ sở vật chất, đưa vào quỹ khen thưởng, phúc lợi cho giáo viên, học sinh mỗi dịp lễ, Tết, thăm hỏi người ốm.

"Giờ không được thu tiền nữa, những hoạt động đó không có nguồn để chi trả", thầy Đăng nói.

Cùng ở Hà Nội, cô Thanh, Hiệu trưởng một trường THCS khác, cho biết gần như toàn bộ học sinh đăng ký học thêm buổi chiều tại trường. Học phí một buổi hơn 20.000 đồng, giáo viên nhận về khoảng 500.000-700.000 đồng.

"Đây là thu nhập chính đáng, hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên, đặc biệt với thầy cô mới ra trường, lương cơ bản còn thấp", cô Thanh cho hay. Nếu phải dạy không công hoặc thù lao thấp, giáo viên khó tập trung vào chuyên môn.

Trong khi đó, nhu cầu học thêm rất lớn. Khi trường bị hạn chế, học sinh chỉ còn cách ra trung tâm bên ngoài học, học phí cao hơn gấp 3-10 lần. Chưa kể, việc quản lý, cơ sở vật chất thì không nhiều trung tâm được như trường học.

Một hiệu trưởng THPT ở Bắc Ninh đồng tình. Ông cho hay nhiều gia đình yên tâm cho con học thêm ở trường vì giáo viên biết rõ điểm mạnh - yếu của từng em, có thể kèm cặp sát sao. Đặc biệt là với học sinh lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp và các kỳ thi riêng để vào đại học. Dạy thêm cũng là cách để trường nâng cao chất lượng.

"Ở quê thì làm gì có trung tâm dạy thêm bài bản, điều kiện phòng, ốc tốt như ở trường, chưa kể các em ra ngoài rất khó quản lý", ông nói.

Cô Nga, lãnh đạo một trường THPT ở Bình Dương, cũng chỉ ra thực trạng ở địa phương, phụ huynh làm việc trong các khu công nghiệp thường tăng ca đến 21-22h, có nhu cầu gửi gắm con học thêm tại trường.

"Nếu trường không dạy thêm do không có kinh phí, học sinh không ai quản lý, dễ xao nhãng việc học, có thể bị cái xấu lôi kéo", cô Nga nói.

Giáo viên gọi thí sinh vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Giáo viên gọi thí sinh vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Hiệu trưởng một trường Cao đẳng Sư phạm nhìn nhận nếu các trường học lạm dụng việc dạy thêm để ép buộc học sinh, chất lượng kém, hay thu - chi bừa bãi thì Bộ cấm là đúng. Tuy nhiên, việc này nếu có thì rất hiếm.

"Ở nhiều trường, đầu vào của học sinh không đều, dạy thêm chủ yếu ở các môn thi tốt nghiệp, giáo viên rất tâm huyết vì đó là danh dự và thương hiệu của họ và nhà trường", ông nhận định. "Hơn nữa, việc thu-chi đều có quy định của HĐND và chính quyền nên rất khó làm sai".

Hiện, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo chưa hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng ngân sách chi trả cho hoạt động dạy thêm.

Cô Thanh cho biết trước nay trường vẫn phụ đạo cho học sinh chưa đạt và học sinh giỏi miễn phí. Số này ít nhưng để có thể trả thù lao cho giáo viên, trường đã phải xoay xở nhiều cách như trừ giờ, động viên thầy cô tự nguyện và hỗ trợ kinh phí ở mức "cho có".

Riêng với học sinh cuối cấp, việc ôn thi khá dài, giáo viên phải dành nhiều thời gian, tâm sức. Nếu không thu học phí, ngân sách giữ nguyên như hiện tại, trường hoặc không chi trả được cho giáo viên thỏa đáng, hoặc phải cắt hết các khoản chi như sửa chữa cơ sở vật chất, khen thưởng... Trong khi, đây đều là những khoản cần thiết hàng năm.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá ngân sách hạn chế là thách thức lớn với nhiều trường học.

"Nếu các chi phí cơ bản không được đảm bảo, trường học khó có thể duy trì được các hoạt động hỗ trợ giáo dục ngoài giờ", ông Thành nói. Nhưng ngược lại, việc dạy thêm miễn phí trong trường tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, đảm bảo học sinh khó khăn hoặc cần bồi dưỡng năng lực được hỗ trợ mà không bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế.

Vì vậy, các trường nên khắc phục bằng cách chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội, kết hợp với chính sách động viên giáo viên, để duy trì và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các trường về nguồn lực và tài chính.

Còn theo cô Thanh ở Hà Nội, giải pháp lâu dài là phải giảm nhu cầu học thêm. Năm nay là lứa học sinh đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018). Nếu thi cử không nhiều áp lực như hiện nay, nhu cầu học thêm sẽ tự động giảm. Việc nhà trường không tổ chức dạy thêm buổi chiều trở thành chuyện bình thường.

Cùng với đó, khi lương và phúc lợi của giáo viên được đảm bảo, thầy cô sẽ tập trung chuyên môn, việc dạy thêm cho học sinh không còn nặng về thu nhập mà chủ yếu vì trách nhiệm.

Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm đồng tình, cho rằng giảm học thêm, dạy thêm là chủ trương đúng. Học sinh cần được giảm tải để có thời gian tăng cường kỹ năng, tham gia các hoạt động xã hội, thể dục, thể thao. Để làm được, Bộ cần có giải pháp căn cơ, giải quyết từ cái gốc của vấn đề.

"Cái gốc là chương trình hiện nay quá nặng, giáo viên dạy giỏi cũng khó truyền thụ hết kiến thức trong 45 phút cho 50 học sinh. Nhu cầu học thêm là tất yếu", ông nói.

Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hằng Lệ - Dương Tâm ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN