Trường học rối vì cách ly F1 kéo dài

Sự kiện: Giáo dục

Theo nhiều hiệu trưởng, số lượng F0, F1 tăng cao trong khi quy định cách li kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến dạy và học.

Lo vừa đến trường lại trở thành F1

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội), nói rằng, trong gần 2 tuần dạy học trực tiếp đã có hơn 20 học sinh và 1 giáo viên mắc COVID-19. Theo hướng dẫn, những học sinh ngồi bên trái, phải, trước, sau và những em tiếp xúc đều trở thành F1. Qua rà soát, trường hiện có hơn 100 F1 phải ở nhà học trực tuyến trong thời gian 14 ngày, dù ngồi ở lớp học, các em đều đeo khẩu trang. F1 rải rác ở nhiều lớp buộc trường phải dạy song song trực tuyến và trực tiếp. Đến nay, tất cả các em đều khoẻ mạnh, không học sinh nào trở thành F0.

“Tôi cho rằng, những trường hợp F1 tiếp xúc với người thân có nguy cơ thành F0 cao hơn F1 trường học vì các em đều đeo khẩu trang, tuân thủ 5K. Do đó, cần có đánh giá và hướng dẫn lại nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dạy và học ở trường. Đến nay, nhà trường đã dạy học đến tuần 23/35 tuần, nếu học sinh liên tục nghỉ vì trở thành F1, sẽ rất khó khăn”, bà Nhàn nói.

Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến, chứ không có trường học trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Anh

Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến, chứ không có trường học trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Anh

Theo bà Nhàn, tuy học trực tiếp chưa được bao lâu nhưng học sinh rất hứng khởi, thầy cô giáo tranh thủ củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới để nâng cao chất lượng. “Điều lo lắng nhất hiện nay là gia tăng F0, phải dừng dạy trực tiếp. Để việc dạy học trực tiếp được bền vững, nhà trường yêu cầu phụ huynh không cho con có biểu hiện ho, sốt tới trường. Khi đi học, giáo viên nhắc học sinh luôn đeo khẩu trang, không bá vai bá cổ bạn như ngày thường”, bà Nhàn nói.

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trường hiện có hơn 50 học sinh là F0. Qua rà soát, có hơn 150 F1 liên quan phải nghỉ học ở nhà cách li theo quy định. Hiện nay, F1 đã tiêm đủ mũi vắc xin sẽ phải cách li ở nhà 7 ngày. Học sinh là F1 chưa tiêm đủ mũi vắc xin sẽ phải cách li 14 ngày mới được tới trường. Do đó, sẽ nảy sinh tình huống có em vừa tới trường đã trở thành F1, hết thời gian cách li được đi học trở lại 1-2 ngày có thể trở thành F1 tiếp. Như vậy, học sinh sẽ liên tục phải nghỉ học, trong khi từ nay đến lúc kết thúc năm học không còn nhiều thời gian.

“Không làm theo hướng dẫn không được, nhưng làm theo lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập hay gia tăng F0, F1, trường học sẽ phải đóng cửa” là tâm tư của nhiều hiệu trưởng hiện nay.

Ðề xuất giảm thời gian cách ly, số lần xét nghiệm

Ông Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), cho biết, nhà trường may mắn dạy học trực tiếp từ đầu năm học nhưng không có trường hợp học sinh, giáo viên là F0. Cách đây khoảng 1 tuần, trường mới đóng cửa vì xã có dịch mức độ 4. “Đã có một số học sinh là F1 do người nhà F0. Các em đó cũng phải ở nhà 14 ngày. Hà Tĩnh không áp dụng học trực tuyến đối với tiểu học, do đó nếu nhiều trường hợp F1, giáo viên sẽ phải hướng dẫn, ôn tập thêm, nếu không sẽ thiệt thòi cho các em”, ông Hợi nói.

“Các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thiện, bổ sung sổ tay an toàn phòng chống dịch với đầy đủ các hướng dẫn cụ thể, dễ thực hiện. Trường học cố gắng vận động học sinh đến lớp. Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến, chứ không có trường học trực tuyến. Không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng không hoang mang, lo sợ”.

Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ

Theo ông Hợi, thời gian tới, học sinh được tiêm vắc xin, trường học sẽ yên tâm hơn dạy học trực tiếp. Kết quả lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc xin cho trẻ 5-12 tuổi cho thấy có khoảng 65-70% phụ huynh đồng ý.

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng, mở cửa trường học các trường đều phải tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế là cần thiết. Từ khi dạy học trực tiếp cho khối 7, 8, 9, liên tục phát sinh các trường hợp F0 và F1. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh 3 khối này có tỉ lệ tiêm vắc xin gần 100% nên nếu trở thành F1, thời gian cách li chỉ có 7 ngày. Lo lắng nhất là học sinh lớp 6 chưa tiêm, nếu đi học sẽ phải cách li 14 ngày. Khi đó, các em sẽ buộc phải học trực tuyến. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ phương án dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi mở cửa trường học. Đề nghị của Bộ GD&ĐT được cho là xuất phát từ thực tiễn tổ chức dạy học của các địa phương. Ngoài ra, Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường, nhưng chưa được tiêm vắc xin.

Các địa phương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và xử trí tình huống F0, F1 trong trường học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu, trong giai đoạn mở cửa trường học hiện nay, ngành GD&ĐT các địa phương đặt mục tiêu số một và trước hết là đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Trong bối cảnh dịch bệnh, trường học thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến

Nhấn mạnh trước hết đến an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, căng thẳng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN