Trường học lên phương án dạy trực tuyến: Bác sĩ nói 'không cần học online'
Trước tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng gia tăng, nhiều trường học ở TPHCM đã lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh, thậm chí có trường còn lên phương án dạy và học trực tuyến sau kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5.
Trước tình trạng đã xuất hiện một số các mắc COVID-19 trong sinh viên, Trường ĐH Gia Định ngay lập tức lên phương án học trực tuyến sau kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4, 1/5. Theo ông Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Gia Định, sau kỳ nghỉ lễ, các lớp sẽ thực hiện học trực tuyến 1 tuần tiếp theo và học bù 2 ngày tương ứng của tuần sau lễ.
“Quyết định trên được nhà trường đưa ra căn cứ vào công văn về phòng, chống dịch COVID-19 của UBND TPHCM, Bộ GD&ĐT và diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, việc này cũng giúp sinh viên thuận lợi, tiết kiệm, di chuyển dễ dàng trong dịp lễ”, ông Chung nói.
Ông Chung cho biết, căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực tế, nhà trường sẽ có thông báo cụ thể cho các tuần học tiếp theo. Hiện nay, nhà trường đã yêu cầu toàn thể giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang nơi công cộng; rửa tay thường xuyên với xà phòng...
Trường ĐH Gia Định triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, yêu cầu sinh viên vào trường đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn ảnh: Nguyễn Dũng
Ông Nguyễn Phương Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân), nói: “Trường tăng cường hơn trước, huy động cả giáo viên đi làm vệ sinh để đảm bảo công tác phòng chống dịch được thực hiện tốt nhất. Bên cạnh đó, nhà trường thông tin thường xuyên đến các em học sinh để chủ động phòng chống dịch bệnh. Các trường hợp đau ốm được nhà trường theo dõi kỹ lưỡng, phối hợp với gia đình để ghi nhận”.
Đến nay, mọi hoạt động diễn ra bình thường, trường chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới COVID-19”; Tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), giáo viên chủ nhiệm các lớp liên tục nhắn tin, nhắc nhở phụ huynh và học sinh về việc chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
“Không cần học online”
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, nói rằng, dịch bệnh sẽ có những đợt tăng cao trong năm, kéo dài nhiều tuần và sẽ tạm lắng rồi tiếp tục lặp lại chu kỳ ở những năm tiếp theo, có năm làn sóng dịch sẽ tăng cao, có năm sẽ ít ca bệnh.
Đề cập việc nhiều trường tại TPHCM đang lên phương án dạy online nếu dịch diễn biến phức tạp, BS Khanh cho rằng, một đợt dịch cảm hoặc bệnh hô hấp thường kéo dài từ 3 - 5 tuần là hết. Số trường hợp có nguy cơ nhiễm không nhiều nên làn sóng dịch đợt này khó có thể bùng phát trên diện rộng.
“Tôi cho rằng, phương án cho trẻ học online là không cần thiết vì COVID-19 không thể lây được cho số đông học sinh, giáo viên ở mỗi trường. Mặt khác, học online chỉ có hiệu quả phòng dịch trong bối cảnh cả nước giãn cách xã hội. Hiện nay, không phải là giai đoạn giãn cách xã hội, nếu học online thì sau giờ học, trẻ cũng sẽ tham gia vào các hoạt động xã hội, sẽ tiếp xúc với nhiều người nên học online là không khả thi”, BS Khanh phân tích.
Để phòng tránh nguy cơ mắc COVID-19, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TPHCM khuyến cáo người dân cần nghiêm túc thông điệp V2K (khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vắc xin đầy đủ). Trong những ngày nghỉ lễ, ngành y tế TPHCM triển khai 59 điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 và sẽ hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả đối với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.