Trường học hạnh phúc: Đừng nói suông!
Trường học hạnh phúc là đích đến của nhiều cơ sở giáo dục, song nếu không hiện thực hóa bằng hành động thì việc này vẫn mãi chỉ là khẩu hiệu
GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, kể rằng trong lần tập huấn cho giáo viên (GV) trường mầm non, ông thấy một học sinh (HS) lạc lõng nằm ở góc lớp, không ra chơi cùng bạn. Khi ông hỏi, GV phân trần: "Không hiểu sao tự nhiên hôm nay bé như vậy".
Quan tâm từ những điều rất nhỏ
Theo GS-TS Huỳnh Văn Sơn, không có gì là "tự nhiên" cả. Ông đã đến chỗ HS nọ, nằm với cậu bé rồi cùng ngồi bày đồ chơi ở sàn lớp học. Lát sau, ông đã thu hút được HS này, khiến cậu bé chủ động bắt chuyện, mở lòng, tiếp nhận "người lạ" và nói lý do vì sao hôm nay lại nằm một mình…
"Điều gì cũng có nguyên nhân. Vấn đề là nguyên nhân đó xuất phát từ nhà trường, gia đình hay chính HS. Thầy cô đã thử tìm hiểu để chia sẻ, đồng cảm với các em chưa? Đã bao lâu các thầy cô không xoa đầu, không tết tóc, không dành lời khen cho HS của mình?" - ông Sơn đặt vấn đề.
Nhiều chuyên gia giáo dục và nhà giáo cho rằng HS có thể rất vui và hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt, như được chăm chút thực đơn, tặng quà sinh nhật, được khen ngợi động viên… Thế nhưng, không phải GV nào, trường học nào cũng sẵn sàng làm những điều như vậy với HS của mình.
Niềm vui của học sinh đến từ môi trường giáo dục tích cực. Sự quan tâm, chia sẻ của giáo viên chính là điều giúp các em cảm nhận được niềm vui khi đến trường mỗi ngày
Một nghiên cứu của ThS Giang Thiên Vũ, Khoa Tâm lý - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cùng các cộng sự đã nêu ra những con số khá ngỡ ngàng. Theo ông Vũ, dù chỉ là khảo sát sàng lọc hơn 8.000 HS THCS và THPT trên địa bàn TP HCM nhưng kết quả cũng đáng để chúng ta giật mình. Theo khảo sát này, có tới 1.117 HS cho biết stress vừa, nặng hoặc rất nặng; 1.952 em trong trạng thái lo âu và 1.177 em có biểu hiện trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu cũng nêu rõ những nguyên nhân của tình trạng nêu trên. Các HS tham gia khảo sát cho biết luôn gặp áp lực về bài vở, ôn tập, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập; áp lực từ gia đình; những tổn thương, sang chấn có tính hệ thống; bạn bè đồng trang lứa và sự so sánh khập khiễng của thầy cô, cha mẹ. Ngoài ra, nguyên nhân còn do các em không có thời gian rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, tham gia sinh hoạt ngoại khóa; chưa được quan tâm và chăm sóc đời sống tinh thần…
Trao nhau tiếng cười
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng càng đổi mới giáo dục thì tiêu chí trường học hạnh phúc càng phải được đặc biệt chú trọng.
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo TP HCM nhìn nhận trường học hạnh phúc là khi các thầy cô và HS trong ngôi trường đó đều cảm thấy hạnh phúc. GV an tâm với nghề; HS mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui, được bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí này, đòi hỏi các trường phải tự chuyển mình, phải hành động.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), thật ra, trường học hạnh phúc đơn giản chỉ là niềm vui của HS và GV mỗi ngày đến trường. Ông cho rằng vai trò của người hiệu trưởng ở mỗi trường là rất quan trọng. Hiệu trưởng có lắng nghe tâm tư của GV không, có đối thoại với HS không, hay chỉ cứng nhắc làm theo quy định, khắt khe bắt lỗi, phạt vạ hoặc trừ thi đua?
Ông Phú cho biết những yếu tố giúp xây dựng nên trường học hạnh phúc còn là điểm số, phương pháp dạy học, môi trường học tập của HS. "Thầy cô phải luôn ghi nhận những tiến bộ của HS, dù là nhỏ nhất, để khuyến khích các em có sức bật trong học tập" - ông giải thích.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Việt Anh, giáo viên Trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8, TP HCM), nhận xét không chỉ HS mà thầy cô giáo cũng chịu nhiều áp lực. Theo ông, chính GV cũng cần được tư vấn tâm lý, bởi chỉ khi người thầy hạnh phúc thì mới gieo được hạnh phúc đến HS.
"GV cần thường xuyên tạo ra tiếng cười trong lớp học để HS cảm thấy gần gũi.Tiếng cười ấy phải xuất phát từ niềm vui thật sự của cả người dạy lẫn người học, chứ không phải "nụ cười như diễn viên". HS cần được cảm thấy an tâm, tin tưởng; được thấu cảm và ghi nhận" - thầy Nguyễn Việt Anh bày tỏ.
Thầy cô cần thay đổi Nhấn mạnh về việc người thầy cần thay đổi, TS Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng điều đó là để chính GV được hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc thì chắc chắn cả lớp hạnh phúc. Một lớp học hạnh phúc có thể lan tỏa sang các lớp khác, để cả trường cũng hạnh phúc. Người thầy trong bối cảnh đổi mới giáo dục là sự chuẩn mực, năng động, sáng tạo, nêu gương và lan tỏa. Cụ thể, chuẩn mực trong tác phong giao tiếp, ứng xử; năng động, linh hoạt để thích ứng với bối cảnh mới; sáng tạo không ngừng để đáp ứng nhu cầu chính đáng của HS, phụ huynh và xã hội; nêu gương, lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhằm xây dựng văn hóa nhà trường để góp phần xây dựng trường học hạnh phúc. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngành giáo dục năm 2022 tiếp tục đổi mới chương trình và tìm cách giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.