Trường gặp khó khi triển khai tư vấn tâm lý học đường
Không có giáo viên được đào tạo chính quy, chủ yếu kiêm nhiệm nên các trường gặp khó khi thực hiện tham vấn tâm lý học đường.
“Sau dịch COVID-19, tâm lý học sinh (HS) tại trường thay đổi nhiều. Nhiều em có biểu hiện bị trầm cảm, hoang tưởng. Có em luôn có suy nghĩ bị giáo viên (GV) đì, thậm chí có em có ý định tự tử” - bà Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1, cho biết.
Có phòng tâm lý nhưng HS không tới
Trước thực tế trên, trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lý, giao một GV dạy giáo dục công dân kiêm nhiệm thêm công tác tư vấn. Tuy nhiên, bà Thơm nhìn nhận việc tư vấn tại trường chưa đạt hiệu quả cao. Do phải kiêm nhiệm nên GV phụ trách không có nhiều thời gian để theo dõi cũng như phát hiện kịp thời HS có biểu hiện bất ổn về tâm lý.
GV tâm lý nếu làm đúng nghĩa, một ngày chỉ cần tiếp ba ca sẽ hết năng lượng. Công việc này rất áp lực do phải tiếp nhận những vấn đề tiêu cực. Do đó, để giải tỏa cảm xúc tiêu cực tôi thường nghe những bản nhạc hoặc tìm cách chia sẻ với đồng nghiệp trong chuyên ngành tâm lý. Thầy LÂM QUÍ, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp |
Vì thế, bà Thơm kiến nghị các trường phải có đội ngũ chuyên viên tâm lý. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để GV có kỹ năng nhận biết, hỗ trợ HS kịp thời.
Bà Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức, cho biết tổng phụ trách đội của trường phải kiêm thêm công tác tư vấn tâm lý học đường. “Dù trường có phòng tham vấn tâm lý nhưng hiếm khi HS tới chia sẻ. Do trường không có GV được đào tạo chính quy nên công tác tư vấn chưa được đầu tư chuyên sâu. Vì thế, khó thu hút HS tới phòng tham vấn trong khi vấn đề này vốn nhạy cảm. Hoạt động này không được thực hiện thường xuyên, chủ yếu có sự việc mới tìm hướng xử lý” - bà Thảo thừa nhận.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, cho biết trong trường có hai vị trí việc làm rất khó tuyển đó là nhân viên tư vấn tâm lý và nhân viên hỗ trợ khuyết tật. Do công việc áp lực trong khi mức lương chưa tương xứng.
“Đây là một công tác quan trọng nên nhiều trường thực hiện theo kiểu kiêm nhiệm để giải quyết một số vấn đề căn cơ. Trường tôi may mắn tuyển được một GV chuyên về lĩnh vực tâm lý” - ông Đức bày tỏ.
Chủ động tìm hiểu để giúp đỡ học sinh
Thầy Lâm Quí, GV tư vấn tâm lý tại Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, cho biết: “Thực tế HS rất ngại đến phòng tâm lý. Để thu hút các em, tôi phải triển khai nhiều giải pháp”.
Theo thầy Quí, trường có một bảng tin, trên đó thầy thường xuyên đăng tải những vấn đề liên quan đến tâm lý HS để các em tìm hiểu. Vào giờ ra chơi, thầy thường lại gần HS để trò chuyện, từ đó tạo sự thân thiện. Bên cạnh đó, tại các buổi sinh hoạt chuyên đề, thầy luôn nhắn nhủ khi có khó khăn hay cần tìm hiểu về sức khỏe giới tính thì hãy đến với thầy. Thầy sẽ lắng nghe và bảo mật.
Đội ngũ cộng tác viên Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp tham gia sinh hoạt chuyên đề. Ảnh: LÂM QUÍ
“Đặc biệt, tôi đã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên nòng cốt là HS. Chính các em sẽ giúp tôi nắm bắt tâm lý của các bạn trong trường. Khi phát hiện những bạn có biểu hiện bất thường sẽ báo cho tôi và cùng bạn đến phòng tham vấn” - thầy Quí nói thêm.
Tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, bà Hoàng Thị Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng, cho biết tại trường, sáng thứ Hai đầu tuần, GV chủ nhiệm, giám thị sẽ thông báo với ban giám hiệu về những HS có vấn đề về tâm lý. Sau đó, ban lãnh đạo sẽ tìm hiểu và mời phụ huynh đến trao đổi để tìm cách phối hợp giải quyết.
Cũng theo bà Vân, để HS có vấn đề về tâm lý chủ động tìm đến phòng tham vấn tâm lý thì trước hết nhà trường phải dạy kỹ năng khi gặp khó khăn, các em cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Một vấn đề quan trọng khác phải có sự phối hợp từ phụ huynh. “Do đó, tư vấn tâm lý không phải là công việc của riêng phòng tâm lý, đó là sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả bộ phận trong nhà trường” - bà Vân khẳng định thêm.
Trường học phải thành lập tổ tư vấn tâm lý Trường học phải thành lập, chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, trong tình hình ngày càng nhiều HS gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trường học phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của HS, sinh viên. Sở GD&ĐT khuyến khích trường học ký hợp đồng chuyên trách với cán bộ, GV, chuyên gia có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý. Sở GD&ĐT TP.HCM |
Sự việc một cô giáo mầm non chất lượng cao Kỳ Bá Fairy Dream 2 ở Thái Bình dùng gai bưởi đâm vào người nhiều trẻ đang gây bức xúc dư luận. Trẻ sau khi bị bạo lực rất dễ...
Nguồn: [Link nguồn]