Trường ĐH công bố điểm chuẩn: Thí sinh tránh vuột mất cơ hội
Thí sinh đáp ứng yêu cầu về điểm chuẩn của các trường ĐH công bố theo phương thức không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT cần lưu ý để tránh vuột mất cơ hội một cách đáng tiếc
Phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức được 81 cơ sở giáo dục ĐH sử dụng. Năm nay, các trường, khoa thuộc ĐHQG TP HCM đã dành tỉ lệ chỉ tiêu lớn để xét tuyển theo phương thức này.
Điểm chuẩn cao chót vót
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cùng một số phương thức xét tuyển khác. Ở một số trường, điểm chuẩn cao chót vót tập trung vào nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, nhóm ngành kinh tế…
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) năm nay tuyển hơn 3.600 chỉ tiêu theo 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, trường dành 40% để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. Theo kết quả xét tuyển vừa được trường công bố, điểm chuẩn vào các ngành dao động từ trên 600 đến 1.001 (thang điểm 1.200).
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết so với năm 2021, năm nay có 9 ngành giảm điểm chuẩn, 3 ngành không thay đổi, còn lại 14 ngành tăng. Điểm chuẩn tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành toán học, toán ứng dụng, toán tin (tăng 80 điểm, tương đương 11%), còn lại đều tăng nhẹ từ 10-30 điểm. Điều này nằm trong dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, bởi kỳ thi đánh giá năng lực năm nay có số lượng thí sinh đăng ký đông, nhóm thí sinh được phân loại khá rõ rệt. Đa số các ngành tăng điểm thuộc nhóm điểm chuẩn cao (từ 700 - 900).
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức
Nhìn vào điểm chuẩn năm nay, có thể thấy xu thế số đông thí sinh vẫn lựa chọn theo các khối ngành về toán, máy tính, kỹ thuật, công nghệ khiến việc cạnh tranh vào các ngành này càng khốc liệt. Ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất với 1.001. Đây là lần đầu tiên trong các năm qua, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có ngành xét tuyển đạt ngưỡng điểm chuẩn trên 1.000. Điều này cho thấy sức hút của chương trình này đối với các học sinh ưu tú trên cả nước, bởi chỉ khoảng 80 thí sinh có số điểm từ 1.001 trong cả 2 đợt thi (trên tổng số hơn 92.000 thí sinh).
Một thành viên khác của ĐHQG TP HCM là Trường ĐH Công nghệ Thông tin cũng đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, với mức điểm 805 - 940, tùy ngành/chương trình đào tạo.
Trường ĐH Kinh tế TP HCM mới đây đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. Kết quả xét tuyển cho thấy điểm chuẩn vào các ngành khá cao, dao động ở mức 800 - 950. Nhiều trường ĐH như Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), Trường ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Sài Gòn đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và các phương thức xét tuyển khác.
Cần hết sức cẩn trọng
Những thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm đã nắm chắc cơ hội vào ĐH. Thí sinh muốn xác nhận nhập học cũng cần thực hiện các bước một cách thận trọng vì quy chế tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi về kỹ thuật so với những năm trước.
Những năm trước, khi trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực, thí sinh sẽ xác nhận nhập học và đến trường làm thủ tục sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh năm 2022 có thay đổi về kỹ thuật - thí sinh đạt yêu cầu về điểm chuẩn còn phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Theo thạc sĩ Trần Vũ, với sự thay đổi về quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022, thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tự đặt thứ tự nguyện vọng 1 trên hệ thống của Bộ GD-ĐT để xác nhận kết quả trúng tuyển vào trường theo phương thức này. Sau đó, thí sinh sẽ thực hiện các bước xác nhận nhập học và nộp hồ sơ để được công nhận chính thức là sinh viên của trường. Tất cả các bước này đều phải được thực hiện, do đó thí sinh cần hết sức cẩn trọng.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, lưu ý thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường, thuộc một trong các phương thức phải tiếp tục thực hiện những bước theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Nếu xác định nhập học vào trường đã trúng tuyển, khi thực hiện "xác nhận thứ tự của nguyện vọng", thí sinh phải điều chỉnh và xác nhận ngành đủ điều kiện trúng tuyển mà mình muốn học ở thứ tự đầu tiên (nguyện vọng số 1).
Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng để tham gia xét tuyển ở đợt xét chung. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không còn trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển.
Các mốc thời gian xét tuyển cần lưu ý
Từ ngày 1-7 đến 17 giờ ngày 18-7: Thí sinh (trừ trường hợp đã và chưa tốt nghiệp các năm trước) sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (hệ thống).
Từ ngày 12-7 đến 18-7: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do) nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8: Thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Từ ngày 21-8 đến 17 giờ ngày 28-8: Thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8: Thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
Trước 17 giờ ngày 17-9: Công bố điểm chuẩn ĐH 2022 và kết quả xét tuyển.
Trước 17 giờ ngày 30-9: Tất cả thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Nguồn: [Link nguồn]
Các trường Đại học đã công bố điểm chuẩn một số phương thức xét tuyển riêng. Ghi nhận cho thấy, có những ngành, thí sinh đạt kết quả học tập học bạ 10 điểm/môn vẫn...