Trường đại học top đầu giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nhằm tăng cường tự chủ, giảm dần phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2022, một số trường đại học top đầu dự kiến sẽ tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Với các phương án tuyển sinh này, chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT của một số trường sẽ giảm mạnh từ 50-70% xuống còn 10-20%.

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thông báo dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022.

Theo đó, nhà trường sẽ dành 60-70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội và một số cơ sở giáo dục đại học khác. Khoảng 30-40% chỉ tiêu còn lại, nhà trường dành cho các phương thức xét tuyển khác: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển thẳng dựa trên chứng chỉ quốc tế, xét tuyển dựa trên kết quả thành tích học phổ thông kết hợp phỏng vấn và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (khoảng 10-20% chỉ tiêu).

Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ dành khoảng 10-20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Ảnh minh họa.

Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ dành khoảng 10-20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Ảnh minh họa.

Đối với bài thi đánh giá tư duy, thí sinh chọn các phần thi tương ứng của Bài thi đánh giá tư duy để đăng ký vào các chương trình đào tạo. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển tất cả các chương trình, sẽ chọn bài thi Toán-Đọc hiểu-Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên hoặc Toán-Đọc hiểu-Khoa học tự nhiên; Đăng ký xét tuyển các ngành Elitech, Kinh tế quản lý, Đào tạo quốc tế, Ngôn ngữ Anh sẽ chọn bài thi Toán-Đọc hiểu-Tiếng Anh.

Để được đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy, thí sinh có điểm trung bình trung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,0 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn học từ 42,0 trở lên), được công nhận tốt nghiệp THPT và có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do trường quy định. Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức tại thời điểm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Thí sinh có thể đăng ký thi thử (theo hình thức online tại chỗ hoặc online trên máy tính tại phòng thi) trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022.

Bài thi đánh giá tư duy có thời lượng tối đa 270 phút, nội dung gồm các phần: Toán (trắc nghiệm, tự luận) với thời lượng 90 phút; Đọc hiểu (trắc nghiệm) với thời lượng 30 phút; Tự chọn 1 (trắc nghiệm) - Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) với thời lượng 90 phút; Tự chọn 2 (trắc nghiệm) - Tiếng Anh với thời lượng 60 phút. Thí sinh có thể chọn 1 hoặc cả 2 phần tự chọn nếu muốn đăng ký xét tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau.

Năm 2022, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển sinh đại học nhưng với quy mô rộng hơn để phục vụ mục tiêu tuyển sinh diện rộng.

Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Định hướng của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là kỳ thi sẽ được giữ ổn định nên năm tới cơ bản sẽ ít có thay đổi. Năm 2022, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài trường để tổ chức thi, cân nhắc mở rộng phạm vi, tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh, hạn chế thấp nhất việc thí sinh phải di chuyển xa. Dự kiến kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 đợt. Tuỳ vào tình hình thực tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét có nên tổ chức thêm đợt thi thứ ba hay không. Thông tin cụ thể về kỳ thi sẽ được ĐHQG TP Hồ Chí Minh công bố trong thời gian tới.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội, năm 2022 ĐHQG Hà Nội dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi ĐGNL như năm 2021 với 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng. Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8/2022.

Trong đó, kỳ thi diễn ra vào tháng 2 có thể tổ chức cho các thí sinh tự do và học sinh có nhu cầu. Từ tháng 3 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 có thể tham gia thi. Đề thi ĐGNL khác với đề kiểm tra kiến thức thuần túy nên các em có thể thử sức ở nhiều đợt khi chưa đạt. Việc tổ chức nhiều đợt thi cũng tương ứng với xu thế tuyển sinh nhiều đợt mà các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều quốc gia đã làm.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc một số trường ĐH có uy tín như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH QG TP Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh là hoàn toàn phù hợp với xu thế, nhất là trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu phù hợp với các trường top giữa và top cuối, chưa thật sự phù hợp với các trường top đầu.

Điều này cũng phù hợp với định hướng của Bộ GD&ĐT khi khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh. Đặc biệt, với kỳ thi ĐGNL của 2 ĐHQG, kết quả của kỳ thi không chỉ được các trường ĐH thành viên sử dụng mà còn là căn cứ để các trường ĐH khác có chung mục tiêu có thể sử dụng để xét tuyển chung.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng GD&ĐT trả lời 'kỳ thi vẫn cần thiết'

Trả lời phiên chất vấn của Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN