Trường đại học đầu tiên trong cả nước được xét tuyển thạc sĩ
Bắt đầu từ năm học 2016-2017, ĐH Bách khoa Hà Nội được phép tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức xét tuyển thay vì thi tuyển như hiện nay.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được phép xét tuyển thạc sĩ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ông vừa phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021.
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2016-2017, ĐH Bách khoa Hà Nội được phép tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức xét tuyển thay vì thi tuyển như hiện nay.
Những ngành thực hiện xét tuyển trình độ thạc sĩ là các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, đã được triển khai đào tạo thạc sĩ từ 10 năm trở lên và tổ chức đào tạo tập trung tại trường.
Sinh viên được xét tuyển khi đáp ứng các điều kiện như tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên, không quá 3 năm tính đến thời điểm nộp hồ sợ dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ; ngành đào tạo trình độ ĐH đúng với ngành đào tạo trình độ thạc sĩ…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT yêu cầu trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng quy định riêng về điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy tình xét tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ, trong đó bao gồm cả quy định về việc xét công nhận văn bằng, công nhận tín chỉ đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH của các cơ sở đào tạo khác, đảm bảo khách quan, chất lượng, công bằng, hiệu quả và công bố công khai.
Ngoài ra, trường phải xác định chỉ tiêu đối với từng ngành xét tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và công bố công khai cùng với thông báo tuyển sinh; Thanh tra để ngăn ngừa và kịp thời khắc phục những thiếu sót trong xét tuyển thạc sĩ.
Trong quyết định, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho trường đến năm 2021, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt tối thiểu 25% tổng số sinh viên trong trường, trong đó, có ít nhất 30% học viên thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu.
Đại học Bách Khoa là trường đại học đầu tiên trong cả nước được Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển thạc sĩ. Bởi trường đáp ứng được mục tiêu hướng tới là xây dựng Trường thành một ĐH nghiên cứu trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế.