Trưởng ban Kinh tế Trung ương: "Sinh viên là những người giàu nhất"
Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình cho rằng sự mệnh là có thật và sinh viên là những người giàu có nhất, vĩ đại nhất, nên các em phải mơ tới những vấn đề cực kỳ to lớn ngoài kia
Sáng 10-10, Lễ Khai khóa của ĐHQG TP HCM đã diễn ra với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình là khách mời diễn giả, có bài phát biểu và phần nói chuyện thú vị truyền cảm hứng trước các khách mời và sinh viên của ĐHQG TP HCM.
Sớm hoàn thành khu đô thị ĐH đầu tiên
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của tập thể sư phạm ĐHQG TP HCM. Qua đây, ông cũng chia sẻ và gửi gắm một số kỳ vọng đối với nhà trường.
Theo đó, sắp tới, cơ chế tự chủ ĐH sẽ được triển khai ở một số trường thành viên ĐHQG TP HCM. Do đó, các trường cần sớm quan tâm đến việc việc xây dựng cơ chế tự chủ hướng đến đổi mới mô hình quản lý, đổi mới quản trị theo mô hình các trường ĐH tiên tiến của khu vực và trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Bình đánh trống khai khóa ĐHQG TP HCM. Ảnh: Nguyễn Nam
Theo Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, chủ đề năm 2018 là "Khoa học công nghệ - nâng tầm hội nhập", nên ĐHQG TP HCM tiếp tục bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội. Đồng thời, ĐHQG TP HCM tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để hiện thực hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Ông Bình cũng trông đợi ĐHQG TP HCM tiếp tục xây dựng và sớm hoàn thành Khu đô thị ĐH đầu tiên của cả nước, hoàn thiện từ cơ sở vật chất cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, không gian nghiên cứu, học tập, sinh hoạt và làm việc của thầy cô và sinh viên. Xây dựng chiến lược thu hút nhân tài, nhất là trí thức trẻ, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở trong nước và nước ngoài về làm việc…
Bên cạnh đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá cao sự điều chỉnh mang tính cập nhật dạy và học trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ĐHQG TP HCM và mong muốn hệ thống ĐH này thực hiện thành công theo kế hoạch chiến lược điều chỉnh.
Ông khuyên trường ĐH trước cuộc cách mạng công nghiệp mới phải thay đổi từ việc dạy những gì mà giới học thuật sẵn có sang "dạy những gì mà thị trường, doanh nghiệp cần, thậm chí xa hơn là dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần.
Sinh viên là người giàu có nhất!
Sau bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Bình đã nán lại sân khấu để nhận lời cảm ơn từ PGS-TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TP HCM. Trước sự lắng nghe nhiệt tình của sinh viên và khách mời, ông kể tiếp một câu chuyện ý nghĩa liên quan bản thân để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Ông kể những năm 80 của thế kỷ trước, ông được tham gia đoàn công tác 10 người đi thăm một tập đoàn nổi tiếng ở Nhật Bản. Ông cho biết thời gian này, việc đi qua Nhật là điều hết sức lớn lao và vinh dự cho một chàng thanh niên trẻ tuổi mới tốt nghiệp ĐH như ông, dù lúc đó ông mới chỉ là anh "lon ton trong đoàn". Tuy nhiên, may mắn thay, ông trở thành thành viên duy nhất của đoàn được chủ tập đoàn Nhật Bản mời đi ăn.
"Buổi tiếp chỉ diễn ra với đúng 2 người, ông chủ tịch tập đoàn và tôi trong một nhà hàng cổ. Nhìn gương mặt hồi hộp và lo lắng, ông chủ tịch tập đoàn nói rằng rất chia sẻ với những nỗi lo của tôi và nhanh chóng giải tỏa nỗi lo bằng việc chia sẻ nguyên nhân. Sở dĩ, ông mời tôi đi ăn là do nhìn tôi, ông nhớ lại tuổi trẻ 60 năm trước của mình", ông Bình kể.
Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình: "Sinh viên là những người giàu có nhất". Ảnh: Nguyễn Nam
Ông chủ tập đoàn tâm sự những năm 20 tuổi như ông Bình, ông chỉ muốn có một chiếc xe hơi nhưng đó chỉ là ước mơ. Đến bây giờ, thế giới này hễ có chiếc xe Ferrari, Lamborghini mới ra, tôi đều mua hết và trưng bày ở khắp nơi nhưng tôi không thể đi được hết chúng. Sau 60 năm, ở Nhật Bản và thế giới người ta nói tôi rất giàu, giàu nhất nước này nhưng cá nhân, tôi thấy mình thực sự nghèo. Còn 60 năm trước khi không có gì tôi lại cảm thấy mình rất giàu, cả thế giới trong tay tôi. Đến nay, tôi lại thấy mình quá nhỏ bé trong thế giới rộng lớn rồi. Tôi muốn truyền thông điệp này đến anh: Tương lại của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nằm trong tay của các anh!", ông Bình bồi hồi nhớ lại.
Qua câu chuyện có thật của bản thân, ông Bình kết luận bây giờ ông muốn truyền thông điệp đó lại cho sinh viên: Các bạn đang là những người giàu có nhất, vĩ đại nhất. "Khi còn trẻ, chúng tôi không hình dung được sứ mệnh của mình. Sau 40 năm rời ghế nhà trường đến giờ, bây giớ tôi thấy rằng sứ mệnh là có thật", ông chiêm nghiệm.
Do đó, ông Bình khuyến khích các sinh viên hãy mơ tới những vấn đề cực kỳ to lớn, thậm chí mơ đến việc cả thế giới nằm trong tay mình. "Còn chúng tôi giờ cũng mơ nhưng giấc mơ chỉ nhỏ nhoi và cụ thể hơn rất nhiều. Chúng tôi mong các bạn có niềm đam mê, có những giấc mơ hoài bão to lớn để mình nỗ lực phấn đấu và biến ước mơ đó thành sự thật", Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình kết luận.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên (SV), trong đó số thuộc hệ đào tạo chất lượng cao...