Trước và sau năm 12 tuổi, đây là những gì cha mẹ cần biết để nuôi dạy con trai mình
Trước năm 12 tuổi, cha mẹ cần lập ra một số nguyên tắc. Sau năm 12 tuổi, cha mẹ cần tỏ ra thấu hiểu.
Chuyên gia tư vấn giáo dục Vương Lâm (Trung Quốc) chia sẻ một trường hợp mình từng tiếp nhận. Theo đó, con trai ông Lý (13 tuổi) là một đứa trẻ nghịch ngợm, không vâng lời. Ông thường xuyên dạy con bằng đòn roi, xem đây là cách để rèn luyện “nam nhi thì không được mềm yếu”.
Vào một ngày, khi cậu bé lén chơi game trong lúc làm bài tập, ông Lý tức giận đập nát chiếc điện thoại, còn thẳng tay tát con mình. Không ngờ lần này cậu bé phản kháng, đánh lại cha mình.
Ông rất sốc trước hành động này của con mình, không hiểu tại sao con nhà hàng xóm mới 10 tuổi khi bị bố mắng liền biết sửa sai ngay. Trong khi đó, con trai ông dù có đánh mắng như thế nào cũng không sửa đổi, ngày càng nổi loạn.
Khi nghe kể về điều này, chuyên gia Vương Lâm thẳng thắn nói: “Đã quá muộn”.
Khi con trai còn nhỏ, ông Lý bận công việc nên lơ là việc kỷ luật con. Bây giờ con trai ông đã bước vào tuổi thiếu niên, lòng tự trọng rất cao, ông vẫn muốn dùng quyền lực để trấn áp, điều này thường gây phản tác dụng.
Trẻ em cần được kỷ luật càng sớm càng tốt để thiết lập quyền lực. Sau 12 tuổi, cha mẹ cần thay đổi cách giao tiếp và trở nên yếu đuối hơn.
Con trai có tính khí nóng nảy, dễ hình thành nhiều thói quen xấu nếu không được cha mẹ kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, cách nuôi dạy con tốt nhất phải dựa trên lứa tuổi và phương pháp giáo dục.
Trước năm 12 tuổi, trẻ cần dạy như thế nào?
Muốn nuôi dạy một cậu bé học hành tử tế, ngoan ngoãn, cha mẹ phải kỷ luật nghiêm khắc trước 12 tuổi để trẻ có lòng tôn trọng và biết kiềm chế.
- Kiên quyết nói không trước những yêu cầu vô lý
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều điều kiện mà trẻ đưa ra với cha mẹ sau 3 tuổi rất vô lý. Nói cách khác, những điều kiện rẻ đưa ra đôi khi không phải là điều chúng thực sự mong muốn mà chỉ là để kiểm tra phản ứng của cha mẹ.
Lúc này, cha mẹ phải học cách kiên quyết từ chối những yêu cầu vô lý, ngay cả khi trẻ ăn vạ, khóc lóc. Chỉ bằng cách không thỏa hiệp, không nhường nhịn, trẻ mới biết đâu là việc nên làm và không còn dựa vào cảm xúc để sai khiến người khác.
- Đặt ra các nguyên tắc bắt buộc
Nhiều bậc cha mẹ chiều chuộng con cái và cho rằng, ngỗ nghịch là hoạt bát, vô lý là độc lập. Họ đâu biết rằng, nếu để bé 3 tuổi ăn trộm đồ chơi của người khác, khi lên 5 tuổi sẽ khó bỏ thói quen này.
Nếu bạn để cậu bé 7 tuổi chửi bới, khi lên 9 tuổi sẽ ngày càng kiêu ngạo hơn. Sau này, 11 tuổi, 14 tuổi, 18 tuổi, cậu bé sẽ ngày càng trở nên bất cần và coi thường các quy tắc.
Vì vậy, cha mẹ cần phải đặt ra các nguyên tắc đạo đức bắt buộc trẻ phải tuân theo.
- Bỏ thói quen xấu
Bản chất của giáo dục là rèn luyện thói quen. Nếu trẻ có những thói quen xấu thì phải sửa ngay.
Ví dụ: Ích kỷ, lười biếng, thích chơi game, nghiện điện thoại di động, trì hoãn... đều là những thói quen xấu cần loại bỏ ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Hãy loại bỏ những thói quen xấu càng sớm càng tốt để trẻ có thể phát triển những thói quen tốt.
Sau tuổi 12, cha mẹ cần dạy con như thế nào?
Sau khi con trai bước vào tuổi dậy thì, nhiều bà mẹ có trải nghiệm riêng, các phương pháp giáo dục trước đây không còn hiệu quả nữa. Trẻ giống như một “quả bom sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào”, cãi lời cha mẹ, la hét và thậm chí bỏ nhà đi.
Điều này là do ở giai đoạn này, cha mẹ không còn là “vị thần” quyền lực trong thế giới của con cái. Tất cả sự thất vọng, nổi loạn, cáu kỉnh của trẻ thực chất là để đánh bại cha mẹ và đấu tranh cho quyền tự chủ của chính mình.
Lúc này, nếu cha mẹ không thay đổi cách dạy dỗ mà vẫn muốn hơn thua với con trai thì thường sẽ thua cuộc. Đồng hành cùng các cậu bé tuổi vị thành niên, đối xử nhẹ nhàng sẽ mang lại hiệu quả hơn là đàn áp gay gắt.
- Đặt câu hỏi thay vì ra lệnh
Không ai thích bị ép buộc, đặc biệt là những cậu bé tuổi vị thành niên.Cha mẹ nên cho trẻ quyền lựa chọn và đưa ra ý kiến của mình với giọng điệu mang tính tư vấn.
Khi cảm thấy được tôn trọng, tự nhiên trẻ sẽ bớt nổi loạn và “xù lông nhím” với cha mẹ nữa.
- Bớt tỏ ra uy quyền
Cha mẹ bớt tỏ ra vẻ trịch thượng, lên giọng tỏ uy quyền mà thay vào đó là đồng cảm nhiều hơn. Chỉ bằng cách xây dựng mối quan hệ cha mẹ và con cái dựa trên sự bình đẳng, trẻ mới sẵn sàng cởi mở, giao tiếp và gần gũi với cha mẹ hơn.
- Buông bỏ
Cha mẹ hãy tin tưởng con nhiều hơn, đừng trở thành người giám sát như kiểu “cha mẹ trực thăng”. Hãy để trẻ học cách tự chịu trách nhiệm như một cá nhân độc lập, có như vậy trẻ mới trưởng thành nhanh.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể kiểm soát con một cách chặt chẽ, điều này có thể tạo nền tảng tốt cho cuộc sống của con và giúp chúng hình thành thói quen ứng xử tốt.
Khi con cái lớn lên, cha mẹ học cách buông bỏ để con học cách chịu trách nhiệm về bản thân, trở thành một người có tư duy độc lập.
Kiểu giáo dục “thắt trước, nới lỏng sau” này có thể khiến con đường đời của trẻ ngày càng rộng mở hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Những câu nói này sẽ phần nào xoa dịu tình hình và giúp đứa trẻ cũng như bản thân cha mẹ bình tĩnh hơn.