Trước 6 tuổi, bố mẹ nên rèn cho con mình có 3 tính cách này để cải thiện trí nhớ
Giai đoạn vàng trước năm 6 tuổi bố mẹ đừng bỏ lỡ để cải thiện khả năng ghi nhớ và IQ cho con mình.
Ngày càng có nhiều bố mẹ chú trọng đến việc đầu tư cho tương lai con cái bắt đầu từ bữa ăn giấc ngủ. Họ không tiếc tiền mua những loại thực phẩm đắt tiền để con mình được thông minh hơn.
Ngoài ra, khi con cái bắt đầu đi học, họ cũng rất tích cực cho con đi học thêm các môn khác nhau. Thế nhưng, rất ít người quan tâm liệu não bộ của đứa trẻ có thể “tiêu hóa” hết những thứ này hay không. Liệu rằng đi học thêm nhiều vậy trẻ có thể nhớ hết được những thứ đã học?
Trên thực tế, trong quá trình trẻ phát triển, có số ít giai đoạn vàng não bộ của trẻ phát triển cực kỳ nhanh. Nếu bố mẹ tập trung cải thiện não bộ của trẻ trong giai đoạn này, đặc biệt trước năm 6 tuổi, khả năng ghi nhớ của trẻ sẽ hoạt động rất mạnh mẽ. Một đứa trẻ có trí nhớ tốt chắc chắn khả năng học tập sẽ tiến bộ thần tốc.
- Trước năm 2 tuổi: Việc ghi nhớ của trẻ hoàn toàn không có ý thức, nó phát triển một cách tự nhiên trong quá trình khám phá thế giới xung quanh. Khả năng ghi nhớ của trẻ lúc này cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
- Từ 2 đến 6 tuổi: Não bộ của trẻ sẽ phát triển rất nhanh, việc ghi nhớ sẽ dần có ý thức một cách rõ ràng. Lúc này, bố mẹ sẽ nhận ra con mình có thể hát và lặp lại các câu nói của bố mẹ một cách trơn tru. Đây là giai đoạn trí nhớ của trẻ hoàn thiện gần như bằng người lớn.
Nhiều nghiên cứu giáo dục cũng chỉ ra rằng, trẻ em trước 6 tuổi rất tò mò về mọi thứ xung quanh. Tất cả những thứ này đều ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần nắm rõ giai đoạn vàng này để cải thiện trí nhớ cho con mình. Đặc biệt, có 3 tính cách sau nhất định bố mẹ nên rèn luyện cho con mình.
1. Cẩn thận
Khả năng nhớ của trẻ không chỉ cần thể hiện ở mức độ nhanh mà còn cần phải chính xác. Khi một đứa trẻ học thuộc lòng điều gì đó, mặc dù chúng có thể nhớ nhanh trong lúc đó nhưng cũng có khả năng sẽ không nắm vững được trọng tâm của vấn đề.
Trẻ cần phải ghi nhớ một cách cẩn thận, có hệ thống bài bản, có như vậy mới nhớ lâu được. Việc học vẹt, nhớ một cách chớp nhoáng sẽ khiến trẻ quên rất nhanh. Vì thế, bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ tính cẩn thận khi muốn ghi nhớ một bài học nào đó.
2. Kiên nhẫn
Trong cuộc sống, bố mẹ đôi lúc cũng sẽ mất kiên nhẫn với con mình, chẳng hạn mỗi khi giảng bài hoặc con cái quá nghịch ngợm. Khi không có tâm trạng tốt, có lẽ việc kiên nhẫn sẽ rất khó nhưng nếu bản thân bố mẹ không có tính kiên nhẫn thì không thể dạy con mình được. Để học hay làm bất cứ thứ gì, kiên nhẫn là yếu tố rất quan trọng.
Đối với tính cách kiên nhẫn này, bố mẹ nên làm gương cho con cái. Sau đó, bố mẹ có thể tập cho trẻ thói quen tập thể dục hoặc làm một số công việc nhà. Những việc làm này tuy nhàm chán nhưng đó là cách tốt nhất để rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ.
3. Tập trung
Khi tập trung vào một việc nào đó, nó sẽ kích thích và cải thiện đáng kể khả năng quan sát, trí tưởng tượng của trẻ. Để đảm bảo trẻ không bị phân tâm khi làm bài và ghi nhớ văn bản, bố mẹ hạn chế làm phiền đến trẻ.
Ngoài ra, để rèn tính tập trung, bố mẹ có thể kể một câu chuyện cho trẻ nghe, sau đó yêu cầu tóm tắt lại nội dung. Nếu trẻ làm đúng, có thể thưởng một thứ gì đó để khích lệ tinh thần và sự nhiệt tình bên trong của trẻ.
Để cải thiện trí nhớ cho trẻ, bố mẹ có thể chơi các trò chơi giúp rèn luyện khả năng ghi nhớ. Khi trí nhớ được cải thiện, trẻ sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Điều này sẽ khiến trẻ ngày càng hứng thú hơn đối với việc học hành.
Những câu nói này bố mẹ cứ ngỡ sẽ giúp con cái tiến bộ hơn nhưng lại gây phản tác dụng, khiến con cái ngày càng chán...
Nguồn: [Link nguồn]