Trung tâm dạy nghề cấp huyện “đá” nhau

Cùng làm công tác dạy nghề nhưng ở các huyện hiện nay có 2 trung tâm do 2 ngành quản lý. Hai mô hình này đang như “hai con gà đá cùng sân”, hiệu quả rất mờ nhạt...

Hai trung tâm cùng làm công tác dạy nghề ở các huyện gồm Trung tâm Dạy nghề (TTDN) do ngành LĐTBXH quản lý và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (TTGDTXHN) do ngành GDĐT quản lý.

Người “nóng”, kẻ “lạnh”

Theo ghi nhận của NTNN tại Phú Yên, tùy theo điều kiện, 2 trung tâm trên đều dạy các nghề: Làm vườn, nuôi cá, cắt may, tiện, hàn, gò, nhiếp ảnh, sửa xe ô tô, mô tô, máy cày, nấu ăn, tin học, lái xe... Chỉ khác là TTDN dạy cho người lớn, còn TTGDTXHN thì dạy cho học sinh phổ thông.

Khi chúng tôi đến TTGDTXHN huyện Phú Hòa chứng kiến cảnh tấp nập, chen chúc từ ngoài cổng đến từng phòng học nghề bởi số lượng học sinh từ hàng chục trường THCS và 3 trường THPT buộc phải đến đây học. Trong khi đó tại TTDN huyện Phú Hòa, giữa buổi sáng ngày làm việc nhưng học viên vắng tanh, chỉ lèo tèo vài giáo viên.

Thực tế, trong lúc nhân lực, vật lực ở TTDN Phú Hòa đang “nhàn rỗi” thì ở TTGDTXHN Phú Hòa luôn trong tình trạng thiếu thốn, quá tải do lượng học sinh đến học nghề (bắt buộc, theo quy định) quá đông, mà cũng chỉ nhằm có giấy chứng nhận để được cộng điểm thi tốt nghiệp! Còn mảng giáo dục thường xuyên thì lại tuyển không đủ số lượng cho các lớp học văn hóa, bởi các trường THPT đã “vét cạn” học sinh với điểm thi tuyển lớp 10 cực thấp; một số nhỏ rơi ra không còn có khả năng theo học phổ thông nữa, nếu các em được dạy nghề liên thông tại trung tâm dạy nghề chuyên nghiệp, có tay nghề vững vàng thì rất hữu ích cho bản thân các em, gia đình và xã hội.

Trung tâm dạy nghề cấp huyện “đá” nhau - 1

Cảnh chen chúc tại một phòng học vi tính ở TTGDTXHN huyện Phú Hòa (Phú Yên)

“Một cục” lợi đủ điều

Vì sao cùng một chức năng mà không sáp nhập để nâng chất hiệu quả? Chúng tôi đặt câu hỏi này thì ông Lê Hoà Tường - Phó Giám đốc TTDN huyện Phú Hòa quyết liệt phản đối: “Mỗi trung tâm đều có chức năng riêng, làm sao nhập một được”. Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thái – Giám đốc TTGDTXHN huyện Phú Hòa thì hết sức đồng tình: “Nếu nhập lại thì sẽ tránh lãng phí, “đá chân nhau” như hiện nay. Nhập lại thì cơ sở vật chất và nhân lực sẽ mạnh hơn; trung tâm “một cục” ở huyện sẽ có hai mảng rõ rệt là giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Chỉ vướng là hai mảng này đang thuộc hai ngành quản lý...”.

“Tôi thấy 2 trung tâm này nên nhập làm một để tránh lãng phí và hoạt động hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa

Nhiều giáo viên dạy nghề huyện này đã bày tỏ ủng hộ ý tưởng sáp nhập 2 trung tâm này, bởi còn đem lại hàng loạt lợi ích khác. Ví như, bộ khung quản lý sẽ giảm đi một nửa, tránh “có ăn, không làm”. Tận dụng được cơ sở vật chất, đồ dùng dạy nghề ở hai bên. Với bà con nông dân, khi cần kiến thức về nghề có thể ghi danh học bất cứ lúc nào, chứ không phải đợi “đủ lượng” mới tổ chức lớp như ở các TTDN hiện nay...

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở cấp tỉnh, cả đến Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên cũng đang tuyển sinh hết sức khó khăn trong bối cảnh học sinh không mặn mà với việc học nghề. Anh Bùi Văn Hùng- người đang có con học Trường THPT Phú Hòa cho biết: “Trường đại học mở ra nhiều, con em tôi đi học có bằng đại học dễ kiếm việc hơn. Còn học nghề mà dàn trải, máy móc lạc hậu, tay nghề không thạo rất khó xin việc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phi - Hùng Phiên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN